Dương Hương, sanh vào đời nhà Tấn, mới 14 tuổi đã tỏ ra là con chí hiếu. Khi cha đi đâu, Dương Hương cũng theo hầu một bên.

    Một hôm, hai cha con cùng đi thăm ruộng ở một nơi rất xa, gần vùng rừng núi, giữa đường gặp một con hổ dữ nhảy đến vồ cha. Dương Hương liều mình dùng đôi tay không đánh với hổ, dù bị nhiều vết thương nhưng Dương Hương cứ xông tới, hổ đành phải lui. Hai cha con được thoát nạn.

    Tấn Dương Hương mới mười bốn tuổi,
    Cha bước ra hằng ruổi theo cha. 
    Phải khi thăm lúa đường xa,
    Chút thân tuổi tác thoắt sa miệng hùm.
    Xót con mắt hầm hầm nổi giận,
    Nắm tay không vơ vẩn giữa đàng.
    Hai tay chặn dọc đè ngang,
    Ra tay chống với hổ lang một mình.
    Hùm mạnh phải xếp nanh lánh gót,
    Hai cha con lại một đoàn về.
    Cho hay hiếu mạnh hơn uy,
    Biết cha thôi lại biết chi có mình.



 
    Quách Cự, tự là Văn Cứ, sanh vào đời nhà Hán, nhà rất nghèo, mồ côi cha, phụng dưỡng mẹ rất hiếu thảo.

    Quách Cự  có vợ sanh  một đứa con trai được 3 tuổi. Khi đến bữa ăn, Quách Cự thường thấy mẹ mình nhịn bớt phần cơm, sớt qua cho cháu, nên bị thiếu ăn, lần lần sức khỏe sa sút. Quách Cự bàn với vợ : Vợ chồng mình đang thời sanh đẻ được, mẹ già thì chỉ có một lần, đã chẳng phụng dưỡng mẹ đầy đủ mà lại để cho con mình chia phần cơm của mẹ thì không phải.

    Bàn nhau như vậy rồi, hai người ra sau nhà, đào một cái hố để chôn con. Khi đào xuống sâu độ một thước thì gặp một cái hủ, trên nắp hủ có viết hàng chữ “Thiên tứ huỳnh kim Quách Cự hiếu tử, quan bất đoạt, dân bất đắc thủ”. Nghĩa là : Trời ban vàng ròng cho con hiếu Quách Cự, quan chẳng phép đoạt, dân chẳng được lấy. Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ. Nhờ có vàng mà đời sống được sung túc, khỏi phải chôn con,  lo phụng dưỡng mẹ già cho thỏa lòng hiếu đạo.

    Hán Quách Cự cửa nhà sa sút,
    Thờ mẫu thân chăm chút mọi bề.
    Còn con ba tuổi biết chi,
    Bữa ăn từ mẫu thường thì bớt cho.
    Trông thấy mẹ bữa no bữa đói,
    Với hiền thê than nói khúc nôi.
    Mẹ già đã chẳng ai nuôi,
    Để con xẻ ngọt chia bùi sao yên.
    Vợ chồng ta còn phen sanh đẻ,
    Mẹ già rồi hầu dễ đặng hai.
    Nói thôi giọt vắn giọt dài,
    Đào ba thước đất để vùi tình thâm.
    May đâu thấy hoàng kim một hủ,
    Chữ Trời cho đề rõ rành rành.
    Cho hay Trời khéo ngọc thành,
    Hiếu tâm đâu để đoạn tình cha con.



 
    Mạnh Tông, tự là Cung Võ, sanh vào đời nhà Ngô (Tam Quốc), quê ở Giang Hạ. Cha mất sớm, Mạnh Tông phụng dưỡng mẹ rất có hiếu.

    Một hôm mẹ đau nặng, bỗng bà bảo thèm một chén canh măng. Trời mùa đông giá lạnh buốt xương, trái mùa măng mọc, Mạnh Tông tìm mãi trong rừng tre chẳng có mụt măng nào, buồn quá, chẳng biết làm sao, đành ôm gốc tre khóc ngất. Bỗng đâu có mấy mụt măng màu xám từ đất mọc lên, Mạnh Tông mừng rỡ xắn lấy đem về, nấu ngay một nồi canh măng dâng mẹ. Bà mẹ ăn xong canh măng thì khỏi bệnh.

    Về sau có một loại tre cho loại măng màu xám giống y như vậy, được gọi là măng Mạnh Tông.

    Ngô Mạnh Tông phụ thân sớm khuất,
    Thờ mẫu thân lòng thực khăn khăn.
    Tuổi già trằn trọc băn khoăn,
    Khi đau nhớ bát canh măng những thèm.
    Trời đông tuyết biết đâu tìm được,
    Chốn trúc lâm phải bước chân đi.
    Một thân ngồi dựa gốc tre,
    Ôm cây kêu khóc nằn nì với cây.
    Giữa bình địa phút giây bỗng nứt, 
    Mấy giò măng mặt đất nẩy sanh.
    Đem về nấu một bữa canh,
    Ăn rồi bệnh mẹ lại lành như xưa.
    Măng mùa lạnh bây giờ mới thấy, 
    Để về sau nhớ lấy cỏ cây.
    Cho hay hiếu động cao dày,
    Tình sâu cũng khiến cỏ cây cũng tình.


 
    Vương Thôi, người nước Ngụy thời Tam Quốc. Cha của Vương Thôi là Vương Nghi làm quan cho nhà Ngụy (Tào Tháo, Tào Phỉ), bị Tư Mã Chiêu (con của Tư  Mã Ý) giết chết, diệt luôn nhà Ngụy, diệt luôn nước Ngô (Ngô Tôn Quyền) và nước Thục (do Lưu Bị lập ra), thống nhất sơn hà, mở ra nhà Tấn, gọi là Tây Tấn.

    Cha của Vương Thôi bị nhà Tây Tấn sát hại, ông quá thương xót, phủ phục trước mộ khóc mãi. Sách chép rằng : Nước mắt của Vương Thôi nhiều đến nỗi cây trắc trồng bên mộ xanh tươi bỗng trở nên khô héo. Vương Thôi  suốt  đời không  quay mặt về hướng tây để tỏ cái ý chí oán giận nhà Tây Tấn giết chết cha của ông.

    Mẹ của Vương Thôi lúc sanh thời rất sợ tiếng sấm. Khi mẹ mất rồi, mỗi khi chuyển mưa có sấm chớp, ông liền chạy ra mộ của mẹ, nằm sấp lên mộ khấn rằng : Có con đây, mẹ chớ kinh sợ.

    Nhà Tây Tấn biết Vương Thôi là người hiền nên nhiều lần vời ra làm quan, nhưng Vương Thôi nhất định từ chối. Ông cất nhà ở kế mộ phần của cha mẹ rồi mở trường dạy học.

    Khi giảng sách cho học trò, đến chương Lục Nga trong Kinh Thi có câu : Ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao … thì ông nhớ đến cha mẹ, nước mắt dầm dề. Sau học trò của ông bỏ chương Lục Nga không dám đọc nữa.

    Ngụy Vương Thôi gặp đời Tây Tấn,
    Vì thù cha lánh ẩn cao bay.
    Bên mồ khóc đã khô cây,
    Trọn đời ngồi chẳng hướng Tây lúc nào. 
    Khi sấm sét tìm vào mồ mẹ,
    Lạy khóc rằng : Có trẻ ở đây,
    Bởi vì tánh mẹ xưa nay,
    Vốn từng sợ sấm những ngày gió mưa.
    Nên coi sóc chẳng từ sớm tối,
    Thần phách yên dạ mới được yên.
    Trong khi đọc sách giảng truyền,
    Tới câu “ Sinh ngã ” lệ tràn như tuôn.
    Ngập ngừng kẻ cập môn cũng cảm, 
    Thiên Lục Nga chẳng dám còn ngâm.
    Cho hay thử lý thử tâm,
    Sư, sinh, cũng tấm tình thâm khác gì.









 
    Lục Tích, sanh vào đời Đông Hán, lên được 6 tuổi. Một hôm, Lục Tích theo cha sang Quận Cửu Giang viếng Viên Thuật. Viên Thuật làm tiệc thết đãi, Lục Tích thấy trên bàn tiệc có nhiều quít ngon, bèn lấy 2 trái giấu vào túi áo.

    Khi mãn tiệc, đến chào Viên Thuật ra về, Lục Tích vô ý để quít lọt ra ngoài. Viên Thuật thấy vậy nói đùa:

    -  Sao cháu lấy quít giấu như thế ?

    Lục Tích liền quì thưa rằng :

    - Mẹ con thích ăn quít lắm ! Nhân thấy trong tiệc có nhiều quít ngon, con giấu 2 trái đem về biếu mẹ.

    Viên Thuật khen ngợi Lục Tích còn nhỏ mà có hiếu.

    Hán Lục Tích thuở còn sáu tuổi,
    Quận Cửu Giang đến với họ Viên.
    Trẻ thơ ai chẳng yêu khen,
    Quít ngon đặt tiệc tiểu diên đãi cùng.
    Cất hai quả vào trong tay áo,
    Tiệc tan xong từ cáo lui chân.
    Trước thềm khúm núm gởi thưa,
    Vô tình quả quít nẩy lăn ra ngoài.
    Viên trông thấy cười cười hỏi hỏi,
    Sao khách hiền mang thói trẻ thơ ?
    Thưa rằng : Mẹ vốn tánh ưa,
    Vật ngon dành lại để đưa mẹ thì.
    Viên nghe nói trọng vì không xiết,
    Bé con con mà biết hiếu thân.
    Cho hay phú giữ thiên chơn,
    Sanh ra ai cũng sẵn phần thiện đoan.







 
    Đinh Lan, sanh nhằm đời Hớn, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Lớn lên thành lập gia thất, rồi thuê người tạc tượng  cha mẹ bằng gỗ để thờ, để tưởng nhớ ơn cúc dục cù lao của cha mẹ. Đinh Lan hết lòng thờ kính cha mẹ y như lúc còn sống. Mỗi khi đi và về đều thưa trình hẳn hoi. Ngày dâng 2 bữa cơm, tối đến lo sửa soạn mùng mền chiếu gối y như cha mẹ còn sống vậy.

    Phụng thờ như vậy được mười mấy năm, sau người vợ sanh ra giải đãi, lại dùng kim châm vào kẻ tay tượng gỗ xem thử có gì lạ không, không ngờ nơi ấy có máu chảy ra đỏ tươi, vợ Đinh Lan hoảng sợ vô cùng. Đến khi Đinh Lan trở về, vào trình cha mẹ thì thấy 2 tượng gỗ đều chảy nước mắt, kẻ tay lại chảy máu. Đinh Lan gọi vợ để hỏi thì vợ thật tình kễ rõ.

    Đinh Lan cho là vợ phạm tội đại bất hiếu  không thể tha thứ được, nên quyết định thôi vợ.

    Hán Đinh Lan thuở năm thơ ấu,
    Bóng xuân huyên khuất dấu non xanh.
    Đến nay tuổi đã trưởng thành,
    Cám công sơn hải, thiệt tình trân cam.
    Tưởng dung mạo khắc làm mộc tượng,
    Cứ bữa thường phụng dưỡng như sanh.
    Khi chăn gối, buổi cơm canh,
    Mấy mươi năm vẫn lòng thành trước sau.
    Bởi người vợ thờ lâu nên trễ,
    Thử lấy kim châm kẻ ngón tay.
    Bỗng đâu giọt máu chảy ngay,
    Ai hay tượng gỗ lâu ngày thiêng sao ?
    Khi đến bữa chồng về làm lễ,
    Mắt tượng rơi hàng lệ chứa chan.
    Xét xem mới biết nguồn cơn,
    Nổi bừng lá giận, dứt tan dây tình.
    Há phải nhẫn mà đành phụ nghĩa, 
    Hiếu với tình nặng nhẹ phải cân.
    Cho hay thành hẳn nên Thần,
    Há rằng u hiển mà phân vong tồn.


 
    Khương Thi, sanh vào đời nhà Hán, có vợ là Bàng thị, hai vợ chồng đều rất hiếu thảo với mẹ.

    Mẹ chồng muốn uống nước sông, Bàng thị hằng ngày đi gánh nước sông ở thật xa đem về để dành cho mẹ dùng.

    Mẹ muốn ăn gỏi cá tươi, Khương Thi không nệ rét mướt, đi bắt cá đem về làm gỏi dâng lên mẹ.

    Thấy mẹ ở nhà một mình, sợ mẹ buồn bực, nên thường đến nhờ  quí bà già hàng xóm đến chơi chuyện trò với mẹ cho vui tuổi già.

    Về sau, bên cạnh nhà, tự  nhiên sanh ra một dòng suối ngọt, nước suối có mùi vị  y như nước sông và hằng ngày lại có 2 con cá chép từ suối nhảy ra, Khương Thi bắt được, đủ làm bữa gỏi dâng lên mẹ dùng, và Bàng thị khỏi đi gánh nước sông ở xa nữa.

    Người ta cho rằng, lòng hiếu thảo của vợ chồng Khương Thi làm cảm động lòng Trời nên Trời khiến sanh ra suối và cá như thế.

    Hán Khương Thi nhà còn lão mẫu,
    Vợ họ Bàng vẹn đạo chữ tòng.
    Mẹ thường muốn uống nước sông,
    Vợ từng đi gánh thay chồng hầu cô.
    Mẹ thường muốn ăn đồ gỏi cá,
    Vợ chồng đều tầm tá đủ mùi.
    Lại mời lân mẫu sang chơi,
    Để bồi cùng mẹ cho vui bạn già.
    Bên nhà bỗng chảy ra suối ngọt,
    Với nước sông in một mùi ngon.
    Lý ngư ngày nhảy hai con,
    Đủ trong cung cấp thần hôn thường lề.
    Rày thong thả bỏ khi lận đận,
    Cam thỏa lòng dâu thuận con hiền.
    Cho hay gia đạo khi nên,
    Đã con hiếu lại được hiền cả dâu.









 
    Đường thị, vợ nhà họ Thôi, ở với cha mẹ chồng rất hiếu thảo. Mẹ chồng quá già, răng đã rụng hết, không còn nhai cơm được nữa, Đường thị phải hằng ngày tắm rửa sạch sẽ, rồi cho mẹ bú để nuôi mẹ. Nhờ vậy mà mẹ chồng được sống thọ.

    Cám ơn nàng dâu đã hết lòng nuôi nấng, bà mẹ chỉ biết khấn nguyện cùng Trời Phật ban bố cho con cháu nhà họ Thôi sau nầy người nào cũng hiếu thảo như Đường thị.

    Dâu họ Thôi ai bằng Đường thị,
    Thương mẹ chồng niên kỷ đã cao.
    Không răng ăn dễ được nào,
    Ngày ngày lau chải ra vào thăm coi.
    Lấy sữa ngọt thay mùi cơm cháu,
    Mấy năm trời chẳng gạo mà no.
    Vì dâu dốc dạ thờ cô,
    Da mồi tóc bạc bốn mùa như xuân.
    Ơn tình ấy không phần báo lại,
    Buổi lâm chung vái với Hoàng Thiên,
    Xin nguyền cho đặng như nguyền,
    Dâu dâu ngày khác đặng hiền như dâu.
    Ai nghe cũng răn nhau hiếu kỉnh,
    Cửa Thôi gia hưng thịnh đời đời,
    Cho hay gia khánh lâu dài,
    Báu nào còn báu hơn người dâu ngoan !



 
    Hoàng Hương, tự là Văn Cường, người đời Hậu Hán, mới 9 tuổi thì mẹ mất. Hoàng Hương thương nhớ mẹ khóc thảm thiết, thờ cha rất mực cung kính, thức khuya dậy sớm hầu cha, không dám xao lãng.

    Vào mùa đông, Hoàng Hương nằm ủ vào chăn chiếu để truyền hơi ấm cho cha khỏi lạnh; đến mùa hè thì quạt mùng gối cho cha được mát mẻ luôn. Nhờ vậy mà người cha sống thoải mái vui tươi, không biết có mùa đông hay mùa hè.

    Quan Thái Thú Lưu Hộ ở quận biết Hoàng Hương là người con hiếu nên làm sớ tâu lên vua Hán xin ban thưởng để làm gương tốt cho mọi người.

    Đời Hậu Hán Hoàng Hương chín tuổi,
    Khuất bóng từ dòi dõi nhớ thương.
    Hạt châu không ráo hai hàng,
    Tiếng hiền đồn dậy trong làng đều khen. 
    Thờ nghiêm phụ cần chuyên khuya sớm,
    Đạo làm con chẳng dám chút khuây.
    Khi trời nắng hạ chầy chầy,
    Quạt trong màn gối hơi bay mát dầm.
    Trời đông buổi sương đầm tuyết thắm,
    Ấp hơi mình cho ấm chiếu chăn.
    Nhờ con cha đặng an thân,
    Bốn mùa không biết có tuần hạ đông.
    Tiếng hiếu kỉnh cảm lòng Quận Thú,
    Biển nêu treo chói đỏ vàng son.
    Cho hay tuổi trẻ mà khôn,
    Ngàn xưa sớm biết đạo con mấy người.



 
    Ngô Mãnh, sanh vào đời nhà Tấn, mới 8 tuổi đã biết hiếu thảo với cha mẹ. Nhà rất nghèo đến nỗi không tiền mua mùng. Đêm hè nóng nực, muỗi bay nhiều hằng đàn, Ngô Mãnh sợ cha mẹ bị muỗi đốt, mà lại không dám đập muỗi vì sợ cha mẹ nghe động thì thức giấc, nên liền cỡi trần ra, nằm phía ngoài để cho muỗi bay đến đốt mình cho no máu, khỏi bay vào đốt cha me

    Tấn Ngô Mãnh tuổi thì lên tám,
    Lòng sự thân chẳng dám khi nhàn.
    Cực vì một nỗi bần hàn,
    Có giường trong đặt, không màn ngoài che. 
    Trời đương buổi đêm hè nóng nảy,
    Tiếng muỗi kêu vang dậy dường mưa.
    Xót thay hai đấng nghiêm từ,
    Để người chịu muỗi, bây chừ biết sao ?
    Nghĩ da thịt phương nào thay lấy,
    Quyết nằm trần, muỗi mấy chẳng xua.
    Dằn lòng cho muỗi được no,
    Để người êm ái giấc hòe cho an.
    Tuổi tuy bé mà gan chẳng bé,
    Dạ ái thân đến thế thì thôi.
    Cho hay phú tính bởi Trời,
    Những đau trong ruột dám nài ngoài da.