Mẫn Tử Khiên tên là Tổn (Mẫn Tổn), người nước Lỗ, học trò của Đức Khổng Tử. Mẹ mất sớm, cha cưới vợ kế sanh đặng 2 con. Cảnh mẹ ghẻ con chồng thật là khắc nghiệt, nhưng Mẫn Tử Khiên vẫn giữ một mực hiếu thảo với cha và mẹ kế, hoà nhã với 2 em.

    Mùa đông giá rét, 2 con của mẹ ghẻ được mặc áo bông ấm áp, còn Mẫn Tử Khiên thì phải mặc áo lót bông lau không đủ ấm, lại còn phải đẩy xe đưa cha đi dạo chơi. Vì quá lạnh, tay Mẫn Tử Khiên tê cóng, phải rời xe ra. Người cha thấy vậy mới nghĩ lại, biết bà kế mẫu quá hà khắc, liền trở về nhà định đuổi bà đi. Mẫn Tử Khiên khóc lóc xin cha xét lại, đừng đuổi kế mẫu đi, vì nếu kế mẫu còn thì chỉ có mình con chịu rét mà thôi, nếu đuổi kế mẫu thì chẳng những con mà cả 2 em cũng đều phải chịu rét mướt khổ sở nữa.

    Người cha nghe theo, về nhà thuật chuyện lại cho kế mẫu của Tử Khiên nghe, khiến bà cảm động. Lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên đã cảm hóa được bà, khiến bà sửa mình và trở nên một hiền mẫu.

    Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa,
    Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu.
    Thờ cha sớm viếng khuya hầu,
    Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
    Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo,
    Hai em thời áo kép dày bông.
    Chẳng thương chút phận long đong,
    Hoa lau nỡ để lạnh lùng một thân.
    Khi cha dạo theo chân xe đẩy,
    Rét căm căm nên xẩy rời tay.
    Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay,
    Nghiến răng rắp cắt đứt dây xướng tùy.
    Gạt nước mắt chơn quì miệng gởi :
    “Lạy cha xin xét lại nguồn cơn.
    Mẹ còn, chịu một thân con,
    Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.”
    Cha trông xuống cũng sa giọt tủi,
    Mẹ nghe lời cũng đổi lòng xưa.
    Cho hay hiếu cảm nên từ,
    Thấm lâu như đá cũng rừ lọ ai ?


     






Leave a Reply.