Đổng Vĩnh, sanh vào thời Hậu Hán, nhà rất nghèo, nhưng ở với cha mẹ  rất  hiếu  thảo.  Khi  cha  mất,  trong  nhà không có tiền để lo việc tang cho cha, ông đến nhà một người phú hộ để xin vay tiền và cam kết khi xong đám tang cha thì ông sẽ đến dệt đủ 300 tấm lụa lấy công trừ nợ.

    Nhờ số tiền vay nầy, Đổng Vĩnh lo việc tang cho cha xong xuôi tốt đẹp. Ông liền thu xếp công việc để qua nhà người phú hộ dệt lụa trừ nợ. Dọc đường đi, Đổng Vĩnh gặp một người con gái xinh đẹp và thùy mị, cùng hứa hẹn kết nghĩa trăm năm nhưng giao kết sau khi dệt xong 300 tấm lụa. Người con gái nói rằng nàng rất thạo nghề dệt lụa, nên xin theo chàng đến nhà phú hộ giúp chàng dệt cho mau xong.

    Nhờ có nàng phụ giúp, Đổng Vĩnh dệt xong 300 tấm lụa rất mau và lụa rất đẹp.

    Cả hai cùng trở về nhà, và khi đi ngang qua chỗ gặp nàng trước đây, người con gái nói với Đổng Vĩnh rằng :

    - Tôi là Chức Nữ trên Trời, nhơn thấy anh nhà nghèo mà có lòng chí hiếu, nên xuống giúp công cho anh trả nợ, nay chẳng đặng đứng lâu.

    Nói dứt thì mây giăng mù mịt, nàng đằng vân bay mất.

    Đến đời nay, chỗ đó còn cái giếng giặt tơ làm dấu tích.

    Đời Hậu Hán có người Đổng Vĩnh,
    Nhà rất nghèo mà tánh rất thành.
    Thấu chăng, chăng thấu Trời xanh,
    Phụ tang để đó, nhân tình còn chi.
    Liều thân thể làm thuê công việc,
    Miễn cầu cho thể phách được yên.
    Cực người thay nhẽ đồng tiền,
    Đem thân hiếu tử băng miền phú gia.
    Bỗng gặp kẻ đàn bà đâu đó,
    Xin kết làm phu phụ cùng đi.
    Lụa ba trăm tấm dệt thuê,
    Trả xong nợ ấy mới về cùng nhau.
    Đến chốn gặp bỗng đâu thoạt biến,
    Là Tiên Cô Trời khiến giúp công.
    Cho hay Trời vốn chiều lòng,
    Há rằng cao thẳm ngàn trùng cách xa.


     









Leave a Reply.