Tăng Tử, tên là Sâm, tự là Tử Dư, người ở ấp Vũ Thành nước Lỗ, sanh vào thời Xuân Thu, là học trò giỏi của Đức Khổng Tử, được đời sau tôn là Tông Thánh trong hàng Tứ Phối, truy tặng là Thành Quốc Công. Tăng Tử phụng dưỡng cha mẹ rất hiếu thảo. Bữa ăn nào cũng rán mua đủ rượu thịt cho cha mẹ dùng.  Khi cha mẹ ăn  xong, đồ ăn dư lại, cha mẹ muốn cho ai thì ông vâng lời đem cho người ấy.

    Cảnh nhà hàn vi, ông thường vào rừng đốn củi. Có một người khách đến chơi, Mẹ muốn gọi ông về ngay nhưng không biết phải làm thế nào. Trong lúc lúng túng, bà cắn vào đầu ngón tay thật đau. Tăng Tử đang chặt củi trong rừng, chợt cảm thấy lòng quặn đau kỳ lạ, e có việc không hay xảy đến cho mẹ nên vội thu xếp gánh củi trở về nhà. Gặp mẹ mới giải rõ nguồn cơn. Thật là cốt nhục tình thâm tương cảm.

    Đời Châu mạt có Thầy Tăng Tử,
    Thờ mẹ cha thì giữ chí thành.
    Bữa thường rượu thịt ngon lành,
    Cho ai vâng cứ đành rành không sai.
    Nhà bần bạc thường đi hái củi,
    Quãng mù xanh thui thủi non sâu.
    Mẹ ngồi tựa cửa bóng sau,
    Nhơn khi khách đến trông mau con về.
    Rối trong dạ nhơn khi cùng túng,
    Cắn ngón tay cho động lòng con.
    Trong non bỗng chốc bồn chồn,
    Quặn đau khúc ruột bước dồn gót chơn.
    Quì dưới gối kề gần thưa hỏi,
    Lắng bên tai tỏ rõ nguồn cơn.
    Cho hay từ hiếu tương quan,
    Non Đồng tuy lở, không hàn tiếng chuông.






Leave a Reply.