Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sài Gòn này, từ bé đến lớn, chứng kiến biết bao cuộc thay đổi thăng trầm của cái thành phố lớn nhất nước và tốc độ phát triển dô thị nhanh nhất, hiện đại nhất, hội nhập và du nhập nhiều nền văn hóa vùng miền cũng như của quốc tế nhiều nhất... Là một cô gái sống cuộc sống thành thị, được sinh vào đầu những năm 80 mà bây giờ người ta thường đặt cho những cái danh xưng "thế hệ 8x đời đầu". Chứng kiến biết bao thăng trầm, bao xu hướng ngày càng văn minh, tiến bộ của giới trẻ. Tôi _ 31 tuổi đầu, cái tuổi không còn trẻ để nhí nhố, để đua đòi mặc dù vẫn còn độc thân, vẫn có những nhóm bạn tụ tập vào những dịp cuối tuần hay ngẫu hứng rảnh rỗi ngồi quán cafe "tám" chuyện đời, chuyện người. Cũng không là cái tuổi quá già để có thể ngồi hoài niệm những gì xưa cổ, lạc hậu để làm cái thước đo so sánh giữa những thế hệ thời này thời kia với nhau.
                     .......Với tôi, may mắn có một nền tảng gia đình tương đối. Tuy không sinh ra trong gia đình giàu có, chỉ là một gia đình lao động bình thường, có những năm phải chật vật, chắt chiu dành dụm lắm mới vượt qua được cuộc sống ngày càng khó khăn theo tình hình chung của xã hội. Tôi _ vào đời sớm... vào đời ở đây là tôi được tiếp xúc, được cọ sát với nhiều hoàn cảnh và con người khác nhau ở lứa tuổi còn khá trẻ của tôi ngày ấy, so với thời bây giờ... đó là tuổi 15.
                             Nhưng tôi may mắn vì tôi có một gia đình có bà nội, có ba mẹ rất hiền lành nhưng cũng rất là nghiêm khắc với con cái. Ngày xưa, khi còn nội, với lứa tuổi tôi ngày ấy, và như người ta thường nói, tuổi giả thường hay thay đổi tâm lý, sinh ra cáu bẳn tính, thường hay gắt gỏng và la rầy con cháu... tôi ngày ấy cũng thường hay khó chịu, bực bội với những lời mắng mỏ, la rầy và sự khó chịu, khó tính của bà nội... nhưng bây giờ. Nghĩ đi nghĩ lại... nếu như ngày ấy, tôi không may mắn có bà nội, có những lời la rầy của nội, không biết tôi sẽ trở thành loại người nào, hạng người nào trong cái xã hội bon chen ngày nay???
                              Ngày xưa _ nội dạy chị em tôi rất nhiều. Có đôi lúc khó chịu, bực bội, cãi lại hay bỏ ngoài tai những lời nội la rầy nhưng ... nhờ những lời la mắng ngày nhỏ mà tôi mới có thể giữ được những gì gọi là cái duyên của con gái, của cái nết con gái; Con gái phải biết nấu nướng, thêu thùa, giặt giũ, vá may (cái chuyện vá may với tôi bây giờ là điều xa xỉ vì tôi không có cái sự khéo léo của may vá). Con gái đầu tóc phải vén khéo, dù có để tóc dài cũng không được để xập xõa, lòa xòa như cái ổ rơm. Con gái ăn nói phải nhỏ nhẹ không được nói rổn rảng, ăn nói phải "dạ _thưa" lễ phép, đi thưa _ về trình, thấy người lớn phải khoanh tay thưa gửi. Gặp người quen ngoài đường phải gật đầu chào hỏi v.v... Và cái câu mà tôi nhớ nội thường hay ví von nhiều nhất ăn sâu vào đầu tôi đó là:"Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe".
                                    Về cái nết ăn của nội dạy mà hình như bây giờ trong nhà tôi là người ảnh hưởng nội nhiều nhất. Ngày bé, nhà tôi đông đúc bà con, lúc nội còn sống, các cô chú, anh chị bên họ nội thường ghé thăm nội vì nội là chị cả trong gia đình, lại nuôi nấng các em từ nhỏ nên các ông bà, các cô chú thường ghé thăm nội. Giỗ quảy, lễ Tết gì nhà tôi cũng thường làm đám rất to, chủ yếu là ở nhà nấu nướng. Từ hôm trước, nội đã ngâm nếp đồ xôi, nấu vịt tiềm, kho thịt, ngâm gạo xay bột làm bánh v.v... những ngày ấy gia đình tôi rộn rịp lắm. Hoặc bữa chủ nhật nào đó, cả nhà ngán cơm nấu bún, hủ tiếu, bánh canh gì đó thay đổi thực đơn thì với nội, ăn gì thì ăn cũng phải ăn lưng chén cơm thêm để dằn bụng. Nội ăn uống cũng rất là kiêng khem và giản dị. Đôi lúc nhà khó khăn, bữa cơm không có gì ăn nội nhường cho con, cho cháu thức ăn ngon dù ba mẹ hay anh chị tôi có gắp thức ăn, có để dành nội cũng chia lại cho cháu, cho con. Với nội, bữa ăn chỉ cần pha cho nội chén nước mắm tỏi ớt là nội có thể ăn hết bữa cơm một cách ngon lành, không câu nệ việc thức ăn, thức uống. Những ngày nội ăn chay, tiện chợ búa thì mua cho nội miếng mì căn xào xả ớt, không thì quả chuối sứ, vài viên chao, là thực đơn ngày chay của nội. Bà con, cô bác nào biếu tấm bánh, quả ngon, vật lạ gì đi chăng nữa cho nội, nội cũng đề dành cho con, cho cháu và người đầu tiên ngày xưa nội thường dành phẩn ngon, phần nhiều đó chính là anh hai tôi vì anh hai là cháu nội trai đích tôn của nội mà lỵ. Thương lắm! Có bữa nọ, bà con biếu cho 2 quả xoài 1 chín, 1 còn hườm hườm,... nội gọt quả chín cho cả nhà ăn tráng miệng sau bữa cơm. Còn quả hườm hườm kia, nội bỏ vào thùng trong tủ đậy kín bảo là vú cho chín, cho thằng Ngọc ăn (anh hai tôi)... vậy mà nội quên, cả nhà cũng quên luôn. Đến khi mẹ tôi dọn tủ thờ, lôi ra được quả xoài quắt queo, đen mốc lên, cả nhà được bữa cười vì cái tính hay để dành của nội, nhưng thương thật thương... thương cái sự nhường cho con, cho cháu của nội.
                           Tính tiết kiệm và xài kỹ thì không ai bằng nội. Chắc có lẽ, cái thời điểm giao thời khốn khó, những năm tháng phải vất vả lo toan tay hòm chìa khóa cho cả đại gia đình mà nội làm chị cả, các bà, các ông ở quê có con cháu lên Sài Gòn học hành, khó khăn cũng đều được nội giúp đỡ cưu mang nên nội rất tiết kiệm và chắt chiu từng ly từng tí. Những năm ấy, chưa có bếp gas như vây giờ, nhà nào sang lắm thì xài bếp dầu, bếp than tổ ong,... riêng nhà tôi vẫn dùng bếp than củi... để dành dụm chất đốr cho những ngày nhà khó khăn, cạn kiệt tiền bạc. Nhà tôi có cái sân rộng trước nhà, có chị hàng xóm bán sầu riêng và cách nhà vài căn có bác bán dừa khô... thế là nội xin những vỏ sầu riêng, vỏ dừa khô về chẻ nhỏ ra rồi phơi trước sân nhà cho thật khô để dành chụm lửa. Tuy khói rất nhiều nhưng cũng đỡ được phần nào chất đốt cho gia đình tôi trong những ngày khốn khó đó... tôi còn nhớ, ngày nhỏ, mỗi lần trời mưa là chị em tôi phải vội vã kéo cái cần xé ra sân nhặt nhạnh các võ dừa, vỏ sầu riêng bày la liệt khắp sân cho thật nhanh để không thì mưa ướt móc meo chụm rất nhiều khói. Đó là công việc tuổi nhỏ làm việc nhỏ của chị em tôi ngày đó.
                        Còn nết ở của nội thì từ lúc sống cho đến khi cuối đời... mẹ tôi chỉ giặt đồ cho nội những ngày nội bệnh già nằm liệt giường, tiểu tiện trên tã lót phải giặt giữ mà thôi. Tôi còn nhớ, ngày đó nội có 1 cái thau nhôm Liên Xô đường kính khoảng 50cm là thau riêng của nội. Mỗi lần nội đi tắm, là mang theo cái thau đó và tắm xong nội giặt luôn bộ đồ vừa thay ra phơi lên liền và nội không bao giờ để đồ ủ qua mấy ngày mối giặt 1 lần hay để cho con cháu giặt đồ của mình. Sáng_nội dậy rất sớm và làm gì làm, cũng phải có bình trà nóng đề đó cho nội (tôi học được thói quen uống trà nóng của nội từ tấm bé nên giờ đã thành thói quen). Trước khi đi ngủ nội thường đọc kinh Địa tạng và bây giờ thói quen đó của nội đã truyền sang tôi trong vài tháng gần đây. Tôi bén duyên với Kinh Địa tạng lúc nào không hay biết?!
                      Còn ở nội nhiều điều nữa mà tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất cho nên bây giờ tuy mới bước qua tuổi 30 được 1 năm thôi nhưng tôi cảm thấy mình khó chịu, khó tính và ngày càng giống nội. Ngày xưa nội dạy con gái, cái nết đánh chết cái đẹp, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, ... những lời lẽ rặt mùi ca dao, tục ngữ nhưng bây giờ, lắm kẻ lãng quên. Cái ý, cái tứ, cái duyên con gái thời nào cũng quan trọng trên hết để định hình cái phẩm chất và tư cách của người con gái truyền thống Việt Nam. Với nội tôi ngày xưa, mặc áo hở hang một chút ra đường là không xong xong với nội. Nhiều lúc trộm nghĩ, nội mà sống đến thời bây giờ, thấy các cô gái trẻ ra đường ăn mặc trống trước, hở sau chắc nội có mà lắc đầu chào thua hoặc la mắng giùm cho cha mẹ chúng nó không biết dạy dỗ con cái quá...Nhờ nội, tôi học được từ nết đi, nết đứng, nết ăn, nết ở... đi không lê dép, ăn uống không nên xa xỉ, nói năng phải lễ phép dịu dàng mặc dù đôi lúc với tính tình nóng như lửa tôi cũng la hét um sùm lên khi cơn giận tới, nhưng lâu ngày cũng học được cách kềm hãm cái tính khí thất thường của mình lại.. Ngày bé, oán nội hay la mắng, nội mất năm tôi mười chín tuổi, ... cũng là một cô gái lớn vừa ra đời được 3 năm rồi... những ngày cuối đời, nội như một đứa bé nằm tại chỗ cho con cháu săn sóc và nội yếu dần, yếu dần như ngọn đèn dầu cạn leo lắt rồi tắt hẳn. Tôi còn nhớ ánh mắt nội những giây phút cuối cùng nhìn chung quanh con cháu đủ đầy, ...và đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi chứng kiến cái ranh giới giữa sự sống và cái chết. Mở đầu cho cái nghiệp của tôi sau này ... sự ra đi của nội làm tôi ngộ ra được nhiều điều. Năm đó, tôi vừa tròn mười chín tuổi.
.....................12 năm trôi qua rồi, qua những thăng trầm , chứng kiến nhiều cuộc tan họp, mất mát, chia ly, của bà con, bạn bè, hàng xóm, láng giềng... Hơn mười năm thôi, cuộc sống xã hội bon chen thay đổi đi nhiều thứ, cuốn mọi giá trị, phẩm chất con người theo guồng quay của xã hội. Tôi_cũng có một thời gian chao đảo, mất phương hướng, mục đích, lẽ sống ở đời. Tôi_có nhiều lúc tưởng như dòng đời xô đẩy, muốn nhắm mắt đưa chân chạy theo vội vã một cái gì đó phù phiếm, xa hoa nặng về vật chất đề hòng tìm kiếm cho mình một cuộc sống dễ thở hơn, được đủ đầy hơn trong cái hình thức như bao bạn bè, những người chung quanh vẫn làm. Nhưng một khi tôi sắp có những tư tưởng chao đảo đó, những lời nội la rầy thuở bé lại làm cho tôi chựng lại, những giấc mơ thấy ngày còn bé bên nội, bên cha, bên anh hai (những người thân trong gia đình tôi đã mất)  đã làm cho tôi vững thêm lòng tin về con đường mình đang đi và không chuyển hướng sa ngã.
                    Có những lúc bên bạn bè, tôi cảm thấy như mình lạc hậu hẳn so với chúng bạn sành điệu, nhưng khi về đến nhà, nơi bình yên nhất của tôi, tôi lại cảm ơn về cái sự lạc hậu, không bon chen sân si của mình., Đó là cách để tôi giữ thăng bằng của cuộc sống và cảm giác bình yên trong tâm hồn của mình mà có nhiều người vẫn thầm ganh tỵ với cuộc sống quá bình thản đó của tôi. Không có gì là lớn lao cả chỉ vì tôi nhờ có nội, có những lời nội la rầy từ bé, và tôi có cái sự "đúng mực" của mình. Với tôi, mọi thứ đều có giới hạn. Đi quá giới hạn, bạn sẽ mất thăng bằng. Đơn giản vậy thôi!!!
                     Những ngày gần đây, bạn bè, đám em thanh niên cùng cộng sự thường gọi vui tôi là "Cổ vật chưa được khai quật". Các em gọi bằng một giọng kính nể và trìu mến chứ không có ý châm biếm, mỉa mai. Tôi biết các em đang chọc ghẹo mình vì cái sự "gái ba mươi mà vẫn đi về 1 bóng" mặc dù chung quanh làm việc toàn là nam giới. Nhưng không có một em nào tỏ ra khiếm nhã hay vô lễ với tôi cả. Tôi biết các em quý mến mình trong cách xử lý công việc và giao tiếp đúng mực với các em nên mới gọi tôi là "Cổ vật" như thế! 
                         ............Tôi là "cổ vật" vì tôi đã may mắn có được một người bà nội sống từ những năm đầu của thế kỷ 20, trải qua những thăng trầm của cuộc sống, của xã hội, của thời thế đã truyền dạy, la rầy tôi từ những ngày còn bé để có được ngày hôm nay, dù xã hội có thay đổi, dù cuộc sống có thay đổi nhưng con người truyền thống trong tôi không thay đổi. Đó là bí quyết và cũng là sự may mắn duy nhất của tôi. Cảm ơn nội của tôi!

4/24/2012 09:03:13 am

Good article dude

Reply
7/16/2012 07:11:44 pm

will be restored shortly

Reply



Leave a Reply.