Picture
             Sáng nay ngủ dậy trễ vì đêm qua thức quá khuya. Bên ngoài hàng quán chẳng còn ai bán cái gì ăn sáng điểm tâm được nữa vì đã hơn 9g rồi. Thôi đành để bụng đói lát ăn cơm trưa luôn. Một lát chị đi chợ, mua về cho gói bắp hầm (bắp giã). Gói bắp nhỏ xíu, chừng 4, 5 muỗng nhỏ là mình đã dứt sạch gói bắp thôi vì giá chỉ có 3 ngàn đồng. Mà mở cái gói bắp ra thích ơi là thích! Thích vì lâu lắm rồi dễ hơn mười mấy năm rồi mình mới thấy lại được gói bắp hầm được gói trong lá chuối, bẻ gập 2 đầu và cái muỗng xúc cũng làm bằng cái sống lá chuối được cắt nhỏ nhỏ, chuốt phẳng làm thành cái muỗng xúc bắp nhìn thật mộc mạc, làm nhớ đến những món ăn quà vặt buổi sáng của những ngày xưa.
            Chụp hình lại up lên facebook phe phang với mọi người về cái gói bắp hầm nhỏ xíu gói bằng lá chuối đó và thế là các bạn, các em like, like... mình biết mà, ai cũng nhớ, cũng hoài niệm về cái thời mà quà ăn sáng chỉ là những gói xôi, những ổ bánh mì lót dạ qua loa cho qua buổi sáng, mộc mạc giản đơn đến thân thương của một thời tuổi thơ....
              Những dòng comment cùa các em, các bạn, làm mình nhớ thêm những món ăn ngày xưa, của một thời tuổi thơ mà bây giờ không sao tìm lại được cái hương vị đó nữa. Một phần là do những người bán những món quà vặt đó bây giờ đã già, đã mất và từ đó không còn ai làm những món đó bán nữa..., một phần từ ngày đất nước mở cửa hội nhập cho đến nay, bất cứ món nào của vùng miền nào cũng tìm thấy được ở Sài Gòn, một đô thị lớn sầm uất, nhiều khi không phải do chính gốc đặc trưng của vùng miền đó mà người ta chạy theo thời, theo xu hướng, theo phong trào, thời điểm nào đó rộ lên những món ăn đó... qua một thời gian rồi thôi, rồi lại chuyển qua món khác... công nghiệp, bài bản, hình thức và mất đi cái hương vị đặc trưng của món ăn vùng miền ...
               Nhớ _ thuở bé, trong cái xóm nhỏ đường Hòa Hưng khu vực Khám Chí Hòa của mình, lúc đó người chưa đông như bây giờ, nhà cửa chưa xây cất cao ráo san sát, kín mít như bây giờ. Hàng quán cũng ít hơn bây giờ... mỗi buổi sáng chỉ có vài bà cụ, gọi là bà cụ vì các cụ già lắm rồi, tóc đã bạc phơ phơ nhưng vẫn gánh cái gánh 2 quang thúng bằng nan tre, đi dạo khắp hang cùng, ngõ hẻm trong cái xóm Hòa Hưng đó và rao "Ai xôi vò, xôi gấc, xôi đậu phọng, bánh tằm không?"
              Rồi cũng 1 bà cụ nữa, già hơn bà bán xôi đủ loại kia. Bà người Bắc, ốm gầy, nhưng vẫn ngày ngày quảy đôi quang gánh với 1 bên là thúng xôi vò, xôi đậu xanh. Còn 1 bên là nồi cháo đậu xanh, bên dưới là bếp than hồng lúc nào cũng có lửa liu riu để giữ nóng nồi cháo đậu xanh thơm lừng đó...  Xôi vò của cụ, nếp dẻo, hạt đậu xanh nguyên hạt quyện vào từng hạt nếp, bọc trong lá chuối xanh mướt, vò nắm lại thành 1 cục tròn vo vo... bà cụ nấu cho đường vừa ăn, không ngọt, không lạt... cắn vào cục xôi vò mùi nếp, mùi đậu xanh quyện trong hương lá chuối, thơm đến tận chân răng. Thật thích!
               Ngày bé, thuở đó mình mới học lớp 2, lớp 3 gì thôi. Mỗi sáng là mẹ mua cho một nắm xôi vò được bọc trong lá chuối như vậy để ăn rồi đị học. Có khi là tô cháo đậu xanh bốc khói thơm phức ăn với đường thốt nốt. Có khi là gói bắp giã, gói bánh tằm làm bằng bột năng, trong veo, dai dai thơm phức lẫn với những sợi dừa nạo.
              Rồi phía trong con hẻm sau nhà là một đại gia đình với truyền thống là nghề làm bánh xôi khúc. Cứ sáng sáng, vợ chồng cô chú, các con trai, con gái, con dâu... mỗi người một nồi bánh khúc nóng hổi như vậy tỏa ra khắp nẻo đường trong quận 10, quận 3, mỗi người đóng đô trước cửa 1 trường học để bán món xôi khúc gia truyền của gia đình ấy. Xôi khúc của gia đình cô chú ấy làm có cái vỏ bánh ở giữa dày, thơm thơm, dòn dòn, bên ngoài áo lớp nếp hạt rời rời, khô khô. Nhân đậu xanh bên trong thật mịn và được nêm nếm vừa ăn với vị mằn mặn, beo béo của 1 miềng thịt ba rọi và 1/4 cái trứng vịt...thật thơm, thật béo, thật bùi. Xôi cũng được bọc trong lá chuối và được rưới thêm 1 muỗng mỡ có cả vài miếng tép mỡ be bé lên trên cho ngậy lên mùi hương đặc trưng của xôi khúc. Có một thời gian, anh Hai của mình ăn chỉ mỗi món đó gần cả năm trời, sáng nào cũng dặn mẹ mua cho gói xôi khúc để ăn xong rồi đi dạy. Gia đình cô chú bán xôi khúc cho đến khi con cái lớn hết, trưởng thành, lập gia đình, chị lớn lấy chồng đi nước ngoài, khá giả lên và bán nhà ở xóm mình, dọn đi nơi khác. Cô chú cũng không làm xôi khúc bán nữa và từ đó cái món xôi khúc đặc trưng của gia đình ấy, cái vị xôi khúc ấy, bây giờ dù cho khắp Sài Gòn cũng bán đầy xôi khúc nhưng mình không thể nào tìm lại được cái vị xôi ngày bé vẫn ăn của gia đình cô chú hàng xóm mình làm. Chắc cô chú ấy có một bí quyết gì riêng cho món xôi khúc của mình chăng?!?


               Lại có môt bà cụ người Bắc, bà mất cũng khá lâu rồi. Trước đây mình không có cái khái niệm phân biệt Bắc Kỳ năm 54, Bắc Kỳ năm 75 gì cả... (xin lỗi các anh các chị nào người miền Bắc)... chỉ nghe người lớn nói với nhau thôi là cụ người miền Bắc vào năm 54. Và dù con cái vào Nam, lập nghiệp, thành đạt, nhưng cụ vẫn không thể bỏ cái thói quen mỗi sáng đều lọ mọ bưng thúng xôi bắp ra đầu hẻm nhà mà bán cho bà con quanh xóm làm quà ăn sáng. Mình nhớ, cụ có gương mặt phúc hậu, vui vẻ, vẫn còn quấn cái khăn mỏ quạ trên đầu như thói quen. Xôi bắp của cụ cực ngon, cực thơm với hạt bắp, hạt nếp dẻo, béo ngậy, thơm phức, bùi bùi. Phủ lên trên là lớp đậu xanh cà nhuyễn thật mịn, có cả lon Rigo đựng tép mỡ và nước mỡ béo rưới lên trên mặt bắp. Rồi dừa nạo sợi rắc lên trên, Ngày xưa mỗi lần mình tới mua bắp, nhờ giọng nói nhỏ nhẻ của mình nên cụ thương lắm. Lúc nào gói xôi bắp của mình mua, cụ bán cũng đầy ú nụ... ăn xong buổi sáng là no tới trưa luôn.  Và bây giờ xôi bắp cũng vẫn bán đầy, nhưng cũng không có cái vị của món xôi bắp của bà cụ người Bắc đáng mến với thúng xôi, với cái khăn mỏ quạ trên đầu dù đang ở đất Sài Gòn náo nhiệt, dù con cái nhiều lần đã bảo cụ thôi không bán nữa nhưng cụ vẫn bán, gói xôi năm ba ngàn ngày ấy...cho đến lúc cụ mất vì tuổi già... không làm giàu hơn được bao nhiêu nhưng là cái sự nhớ quê, nhớ nhà, nhớ cái đặc trưng vùng miền của mình vì đâu đó đôi lúc đến mua xôi bắp, dù ngày nhỏ mình chẳng sâu sắc lắm nhưng vẫn thấy và cảm được cái ánh mắt đau đáu buồn xa xăm của cụ bà đội chiếc khắn mỏ quạ với cái áo bà ba hai túi và tiền xu thì được đựng trong cái ruột ngựa quấn ở thắt lưng mà mỗi khi mình đợi thối tiền lâu ơi là lâu vì bà cụ phải lần mò cởi cái dây rút, đếm kỹ từng đồng để thối lại...tỉ mẩn gom góp từng chút âu đó cũng là cái sự tần tảo của người phụ nũ xa quê vào lập nghiệp trên đất Sài Gòn nuôi con thành người chăng?!
                  Và quà vặt buổi trưa của cái xóm nhỏ nhà mình ngày xưa cũng dần bị mất đi những món chuối ép nướng của "bà Ba chuối nướng". Sở dĩ gọi thành tên như vậy luôn vì từ ngày bà mất đi, không ai làm được cái món chuối ép nướng như bà.Trái chuối sứ vừa chín tới, ép trong lá chuối, nướng trên bếp than hồng, thơm ngất ngây, nóng hổi rồi thoa lên lớp mỡ hành cho mùi thơm nức lên nữa, sau đó đổ lên trên nước cốt dừa nấu với bột báng... ngòn ngọt, chát chát của vị chuối vừa chín tới, thơm lừng của hương chuối và lá chuối nướng quyện vào nhau, vị béo của mỡ hành, của nước cốt dừa và dai dai, thơm thơm của bột báng... 
               Rồi món chè bánh canh được nấu bằng đường thùng của 1 bà mập mập, gánh đi bán mỗi buổi trưa chiều. Chắc bà cũng mất rồi vì lâu lắm rồi, dễ hơn chục năm không còn thấy bà nữa. Và cũng không tìm ra được ai nấu món chè bánh canh bột gạo thơm béo đó nữa. Rồi bánh đúc lá dứa rưới nước cốt dửa và nước đường thắng kẹo lại... rồi bánh khoai mì nhân dừa nướng...rồi món bánh bò, xôi vị của bà Tám Phát gần nhà... rồi lâu dần, xóm nhỏ nhà mình cũng không còn tiếng gõ lắc cắc của những xe hủ tiếu gõ mấy ông Tàu bán ngày xưa. Bây giờ xe hủ tiếu gõ cũng có đầy, nhưng là những xe hủ tiếu công nghiệp, cùng 1 lò nấu mà ra, chắng có vị thơm lừng của nước lèo ngày xưa mỗi lần đứng cạnh xe hủ tiếu gõ mở nắp thôi là mùi thơm theo khói tỏa ra nức mũi. Bây giờ xe hủ tiếu cũng chẳng còn thuê các em bé nghèo khuya khuya đi mọi ngõ ngách, hẻm hóc để khua gõ hai thanh tre lốc cốc như ngày xưa....
            Bây giờ, bánh giò, bánh gai, bánh chưng bán dạo khuya cũng không còn những tiếng rao buồn thảm não nữa mà được thay vào bằng cái băng thu âm sẵn và phát qua loa. Bây giờ Sài Gòn  mở cửa đêm bước xuống đường thức ăn đầy ra đó ... nhưng những cái hương vị của những món quà ăn sáng, ăn vặt ban trưa hay ăn lót dạ qua đêm nếu làm việc thức khuya... không còn như ngày xưa nữa. 
           Nhiều lúc ngẫm nghĩ nhớ về những món ăn ngày xưa... tự nhủ mình quá cổ lổ sĩ hay là tại bây giờ cái gì cũng đổi mới, cuộc sống đủ đầy hơn nên khao khát lại những cái vị của thuở còn khó khăn chăng???
         Chẳng biết nữa, chỉ biết rằng sáng nay, mở gói bắp giã giá 3 ngàn đồng của chị mua cho (bây giờ thức ăn sáng của Sài Gòn làm gì có món nào giá 3000 đồng nữa đâu) được bọc gói trong lá chuối, cái muỗng xúc cũng bằng sống lá vót thành... lòng rưng rưng điều gì đó. Nhất là khi chụp hình post lên Facebook, nhận được những lời comment của bạn bè, anh chị em đang ở xa xứ, xa quê hương,... mới biết ... thì ra dù ở nơi nào, bất cứ đâu, trong tim ai cũng có một ký ức của những món ăn , những hương vị của một thời thơ ấu...
 
Picture
                        Ngày bé tôi chụp hình tôi không biết cười, lật lại vài tấm hình hồi bé, hiếm hoi lắm mới thấy có tấm hình tôi cười mặc dù mẹ kể ngày bé răng tôi rất đều, rất đẹp...Vậy mà mỗi lần chụp hình lại không thấy cười hoặc giả có cười đi chăng nữa thì cũng bẽn lẽn, mắc cỡ, mim mím thôi. Chắc tại ngày bé chưa biết xí xọn, chưa biết nhí nhảnh và bị khớp trước cái ống kính máy chụp hình sao ấy?!
                        Lớn lên tí, tham gia hoạt động Đoàn từ năm 16 tuổi, hội họp bạn bè, sinh hoạt giao lưu, có nhiều điều kiện chụp ảnh hơn và thế là hiếm lắm mới thấy tấm hình nào tôi không cười. Nếu có tấm hình nào mà chụp được khoảnh khắc tôi không cười đó là khuôn mặt bình thường của tôi được bạn bè rình rình chụp lén...chứ tôi mà thấy cái ống kính hay cái máy chụp hình nào hướng về phía mình là bắt đầu nhe răng ra rồi đó nha (mặc dù lớn lên thay răng, răng mọc xấu hoắc không có đều và đẹp như ngày xưa nữa)...vậy mà vẫn thích cười khi chụp ảnh.
                     Một lần tôi đọc báo mạng, đọc được một bài viết phân tích về những bức ảnh chụp nụ cười của một số người làm cuộc kiểm tra thí nghiệm do các nhà tâm lý học ngoại quốc nghiên cứu và kết luận: Đa số những người chụp hình mà không cười, mặt nghiêm trang, khắc khổ là hiện tại hoặc sau này đều có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, hoặc có một quá khứ tuổi thơ không êm đẹp và qua nụ cười của bạn ghi lại trên những bức ảnh chụp, người ta cũng có thể đoán biết được cuộc đời, tính tình của bạn nữa.
                   Đó chỉ là một tài liệu nghiên cứu để tham khảo cho vui và tôi cũng không tin lắm vào những tiên đoán của số phận. Tôi chỉ tin một điều rằng số phận con người do mình nắm giữ và những gì mình gặt hái được hôm nay, hoặc mình nhận được từ hôm nay là cái "quả" của mình đã gieo từ hôm qua hoặc xa hơn nữa là cái quả của kiếp trước mình mà thôi (Vì tôi tin vào thuyết Nhân Quả và luân hồi của Đạo Phật). Tuy nhiên, với quá trình làm công tác thanh niên từ năm 16 tuổi, tiếp xúc, có cơ hội giao lưu gặp gỡ bạn bè, làm việc nhiều với đủ thành phần tuổi tác khác nhau: từ các em bé nhi đồng, thiếu nhi cho đến thanh niên, trung niên và các cụ cao tuổi. Già trẻ, gái trai, lớn bé... biết nhiều hoàn cảnh của từng người bạn bè... tôi cũng cảm thấy điều đó tương đối đúng. 
                 Thường những người chụp hình mà cười rất tươi, rất rạng rỡ, rất thoải mái, đa số họ đều có cuộc sống rất bình an và thanh thản trong tâm hồn. Dù có thể cuộc sống vật chất của họ không đầy đủ, dù có thể trong cuộc sống bình thường hàng ngày của họ cũng gặp không ít sóng gió, biến cố của cuộc đời nhưng họ có một tinh thần lạc quan và luôn biết tìm ra cho mình hướng đi mỗi khi gặp những chuyện bế tắc. Và khi họ chụp hình cùng bạn bè hoặc chụp hình một mình đi chăng nữa, họ luôn nở nụ cười rạng rỡ,  và khi người khác nhìn những bức ảnh ấy sẽ được truyền cảm hứng từ chính những nụ cười rạng rỡ của họ, như những luồng gió mát thổi cho tâm hồn vậy.
                      Ngược lại những người có ngoại hình rất đẹp, khuôn mặt đẹp, nhưng hiếm khi nở nụ cười lúc chụp hình, hoặc luôn có một vẻ mặt lạnh lùng, băng giá khi chụp hình, một số bạn bè của tôi cũng nằm trong trường hợp đó, thì dù cho họ có cuộc sống đầy đủ, giàu có về vật chất, mọi việc trong cuộc đời họ cũng tương đối suôn sẻ, may mắn nhưng tinh thần của họ thì luôn bi quan, bế tắc và mỗi khi gặp chuyện không may mắn, họ sẽ là người đầu tiên tuyệt vọng, cùng quẫn, than vãn, bất cần đời, hận đời nhiều nhất... và qua bao nhiêu năm làm công tác này, tôi xếp họ vào nhóm những người có thần kinh kém và không có sức chịu đựng những biến cố cuộc đời. Những người ở nhóm này phần nhiều họ qúa cầu toàn và luôn muốn mọi chuyện đều hoàn hảo, do đó họ nhìn đời khắt khe trên những chuẩn mực mà họ tự đặt ra cho các sự vật, sự việc theo ý họ. Do đó khi những việc xảy ra không như mong đợi, họ cảm thấy khó chịu, cau có, bấn loạn và mất phương hướng...một số suy nghĩ cực đoan hơn thì sẽ đâm ra thù ghét cuộc đời, cuộc sống này... và ghét lây qua luôn những người xung quanh vô tình bên cạnh họ lúc đó... những người như vậy, thường họ có một tính cách luôn luôn đố kỵ, ganh ghét với những ai may mắn và hạnh phúc hơn họ, dù họ không biết rằng có thể những người đó có cuộc sống vật chất còn khó khăn, khốn đốn hơn họ nữa... nhưng tinh thần lạc quan của người đó, giúp họ có cuộc sống bình thản và vô tình họ thành đối tượng bị những người suy nghĩ cục bộ, cực đoan, đố kỵ ấy thù ghét...
                   Đây chỉ là những nhận xét cảm quan của tôi trên một số bạn bè, những người quen biết tôi có dịp tiếp xúc, hiểu rõ hoàn cảnh và trao đổi những quan niệm sống với họ và tôi rút ra những nhận xét như vậy. Còn nhìn chung, xét về khía cạnh thẩm mỹ, về khía cạnh nhân tướng học, và các khía cạnh khác trong cuộc sống này thì rõ ràng, khi bạn nhìn thấy một bức ảnh bạn bè mình cười vui, có khi là chụp một mình, cũng có khi họ quây quần chụp cùng bạn bè với những tư thế nghịch ngợm, những nụ cười rạng rỡ, thoải mái và yêu đời... chắc hẳn bạn sẽ đồng cảm nhận cùng tôi là bạn cũng sẽ mỉm cười theo khi trông thấy những bức ảnh ngộ nghĩnh cùng những nụ cười đáng yêu ấy của bạn bè, phải không nào?! Vì cho dù thế nào, đang vui, hay đang buồn, vô tình nhìn những bức ảnh của bạn bè mình, những người mình yêu quý, trông thấy họ cười tươi tắn, mình biết rằng họ đang sống vui vẻ, sống hạnh phúc và nụ cười ấy có tác dụng lan tỏa những cảm giác phấn chấn yêu đời sang cả bản thân người xem ảnh nữa đấy các bạn ạ! Tin tôi đi, khi tôi buồn, tôi lang thang qua các trang facebook của bạn bè để xem ảnh của họ chụp ghi lại những khoảng khắc tươi vui trong chuyến đi du lịch, trong 1 phút ngẫu hứng tự sướng đi chăng nữa và những bức ảnh nào của bạn bè cười rạng rỡ, tôi sẽ vui lây...
                         Dĩ nhiên tôi không khẳng định rằng cuộc sống luôn luôn tốt đẹp như mình mong muốn. Cuộc sống luôn song hành những niềm vui và nỗi buồn. Những người chụp hình cười nhiều đôi khi bên ngoài họ lại là những người lạnh lùng, ít nói... (chẳng hạn như tôi), và những người chụp hình không cười, cũng có khi bên ngoài họ là người nói như sáo, như chim, năng động...đó là muôn mặt của chiếc mặt nạ đời mà con người che giấu nhau những cảm xúc khi đối diện với muôn vạn con người trong cuộc sống. Chỉ có những bức ảnh ghi lại hình ảnh chân thật của mình qua cuộc sống hoặc những khoảnh khắc đối diện với chính bản thân mình mới bộc lộ và thể hiện rõ nhất tinh thần cũng như tính cách của mình, qua đó cũng có thể biết được số phận của mình qua những bức ảnh ấy. Vì người ta thường nói: Hành động tạo thành  thói quen _  Thói quen tạo nên tính cách_ Tính cách hình thành số phận mà. Vậy thì chúng ta hãy hành động bằng những nụ cười của mình... ghi lại hình ảnh của mình với những nụ cười tươi tắn rạng rỡ, ta đã gieo nên một thói quen mỉm cười trước mỗi biến cố, sóng gió của cuộc đời, từ thói quen đó ta đã tạo ra cho mình một tính cách kiên cường, nghị lực, dám chấp nhận thất bại và đối diện với cuộc sống... Và từ tính cách ấy ta đã tạo thành cho mình một số phận rồi đấy. Cuộc sống ta sẽ luôn an bình, thư thái cho dù có bất cứ biến cố, nghịch cảnh nào xảy ra trong cuộc đời mình đi chăng nữa...
                    Và bạn ơi! hãy cười nhiều lên nữa nhé! Đâu nhất thiết phải có hàm răng đều, trắng đẹp như người mẫu, đâu nhất thiết bạn phải xinh xắn, đẹp như hoa hậu, diễn viên... thì bạn mới cười... Chỉ cần bạn giản dị, ngồi một mình chụp hình tự sướng thôi, tự mỉm một nụ cười với chính mình, với cuộc đời...bạn sẽ thấy cuộc đời này luôn luôn tươi đẹp và còn những điều đáng yêu nữa trong cuộc sống. Và bạn hãy nhớ rằng, những ai là bạn bè tôi, tôi luôn thích nhìn những nụ cười của các bạn.
 
                             Chiều đẹp trời, 3 chị em cùng tham gia một chương trình văn nghệ sân khấu quần chúng, sau buổi diễn phúc khảo cả 3 chị em kéo nhau đi cafe. Quán Thềm Xưa_một không gian khá tịnh cho những câu chuyện tâm giao bên tách cafe, bên những hàn huyên của 3 chị em không chung ngành nghề, không cùng lý tưởng , chỉ có duy nhất điểm chung là yêu nghề của mình, yêu công việc và tình yêu tâm linh với đạo, với đời...
                          Em trai, tuổi đời còn rất trẻ, 29 tuổi, hài hước, hóm hỉnh của một cậu thanh niên trẻ trung, yêu đời nhưng cũng có cái sự chững chạc, chín chắn và suy nghĩ sâu sắc của một chiến sĩ cảnh sát bảo vệ được giáo dục, rèn luyện và đào tạo trong môi trường chính trị chuyên nghiệp. Em có những suy nghĩ và nhận định về cuộc đời rất xác đáng. Bên câu chuyện về đời, những câu chuyện hài dí dỏm của công việc chuyên môn từng đứa. Em kể về đạo, về vấn đề tâm linh, tuy là một chiến sĩ cảnh sát có cái nhìn khách quan về những vấn đề thuộc lĩnh vực duy tâm nhưng em tin Đạo, em tin có nhân quả và cái hậu, cái đức của những người gieo nhân tốt, duyên lành và em kể... em kể bằng ánh mắt tin tưởng trong sáng về cái duyên lành, cái hậu mà em đã từng chứng kiến và tin vào điều đó. 
                         Nhà em bên Quận 8, gần nhà có ngôi chùa nhỏ nằm trong hẻm sâu do các ni sư trụ trì. Là con trai nên em cũng ít tin vào việc đi cúng bái, lễ lạt chùa chiền lắm nhưng em quen biết với 1 chị là chủ hàng vi tính nơi em thường đến chơi game. Thấy em tử tế đàng hoàng so với các cậu thanh niên khác trong xóm, chị thường nhờ em chở đến viếng chùa vì chị có mối thâm tình khá thân với ni sư trụ trì ngôi chùa nhỏ ấy. Nhiều lần đến viếng ngôi chùa nhỏ ấy em được nghe, được chứng kiến tận  mắt những gì mà các ni sư trong chùa kể lại, một câu chuyện có thật về 1 tấm gương mà đến giờ em vẫn không tin đó là sự thật, như hiện thân của một vị Bồ tát giữa cuộc sống này.
                        Trong Chùa hiện còn đang thờ những viên tro cốt có ánh màu xanh nhạt mà thường người ta gọi là Xá lợi của những bậc tu hành Chánh quả, sau khi về cõi NIết Bàn, hỏa thiêu xương cốt tích tụ lại thành những viên ngọc Phật như thế. Và những viên Xá lợi của ngôi Chùa nhỏ ấy hiện đang thờ là của một cô tín nữ sống và làm công quả trong Chùa từ bé đến lớn. Nghe kể lại rằng: Từ nhỏ, cô đã không có cha, không biết mặt cha mình là ai? Năm 4, 5 tuổi mẹ cô do lao động vất vả, nghèo nàn đã lâm bệnh mà mất. Cô mồ côi từ đó và được các ni sư trụ trì những đời trước của ngôi Chùa đem về nuôi nấng từ đó. Kể từ đó cho đến lớn cô sống trong Chùa, làm công quả, được các ni sư nuôi nấng dạy bảo, cô nghe và học thuộc kinh Phật, đọc làu làu không sót một chữ. Những đêm rằm, những ngày lễ Phật bá tánh đến cúng Chùa, đọc kinh, cô cũng ngồi tụng niệm không sai một câu, một chữ. Nhưng cô không quy y hẳn. Cô chỉ sống và làm công quả cho Chùa như thế thôi. Đến khi lớn, cô bắt đầu ra ngoài với đời và chọn cho mình cái nghề bán vé số. Ban ngày cô lang thang khắp nơi để bán những tấm vé số, chỉ có đến tối mới về lại Chùa ở và làm công quả cho Chùa. Bao nhiêu tiền bán vé số được trong những năm tháng, cô tích góp lại, không sử dụng bất cứ đồng nào cho cá nhân mình, Cô ky cóp như thế để cúng dường công quả cho Chùa, nhưng các ni sư không dám nhận những đồng tiền lao động vất vả như thế của cô và cô đã để những đồng tiền dành dụm ấy của mình, hàng năm đến mùa lễ Vu Lan báo hiếu, xá tội vong nhân, cô làm giỗ mẹ mình thật lớn. Làm chay đàn, mời các ni, các thầy tụng niệm cho mẹ mình và các linh hồn vong nhân được siêu thoát. Và công việc ấy như một thói quen của cô hàng năm, là một mục đích sống duy nhất của cô trong suốt mấy mươi năm sống ở cõi đời. Cứ ngày ngày đi bán vé số, đêm về Chùa ngủ nghe kinh Phật, làm công quả, tiền bán buôn được dành dụm cả năm trời để làm giỗ mẹ, dù mẹ cô mất khi cô còn nhỏ. Năm này qua năm khác chỉ duy nhất một công việc như thế và đến khi cô hơn 60 tuổi thì không bệnh hoạn gì cả mà ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản trong một giấc ngủ. Chùa làm tang ma cho cô và hòa thiêu, sau khi hỏa táng, ai cũng ngỡ ngàng khi tro cốt cô để lại nhặt được là những viên Xá lợi ánh màu xanh như thế, và Chùa đã đem về thờ phụng những viên Xá lợi ấy và truyền tụng câu chuyện đời của cô  như minh chứng cho một tấm gương của một tấm lòng Bồ tát chân thực giữa xã hội ngày nay.
                      Buổi chiều Thềm Xưa như lắng đọng lại, ánh nắng vàng nhạt nhòa dần sau những dòng dây leo thả hững hờ dọc tường ngôi nhà có kiến trúc  Tây xưa với nhửng mái ngói gạch nung đỏ au.  Thời gian như trôi chậm lại, không khí cùa bàn cafe 3 chị em bỗng im hẳn nghe được cả hơi thở của 3 con người, Sao lại có những câu chuyện đẹp như trong mơ hiện hữu giữa đời thực như thế. Một câu chuyện sống động giữa cuộc đời xô bồ, dù có những trầm luân của một kiếp người nhưng cuối cùng là một kết thúc thật có hậu, một cuộc đời với những duyên lành, quả ngọt và tôi tin chắc rằng cô ấy đã sinh về cõi Phật. Nơi không có những ưu phiền , đau khổ, bi ai của một kiếp làm người phù du nữa. 
                        Trước khi kể cho tôi nghe câu chuyện đó, em hỏi tôi có tin không vào những gì gọi là nhân quả, là cái đức, cái hậu của một kiếp người trồng quả ngọt. Tôi bảo: Tôi tin chứ! Tôi rất tin vào điều đó. Con người nếu không có đức tin vào bất cứ một điều gì thì sẽ không còn làm được bất cứ điều gì nữa và là một cuộc sống đáng chán không mục đích, không có lý tưởng và niềm tin nào ở bên cạnh họ được nữa. Và tôi tin vào Đạo Phật. Tôi tin vào những duyên lành. Tôi tin những gì của sự kiên trì, bền chí, của những quả gieo trồng bằng những thiện căn, bằng cả trái tim và sự tin tưởng tuyệt đối vào Luật Nhân quả của Đạo Phật, của cuộc sống này. 
                         Và cũng đúng thôi! Cô tín nữ có tấm lòng Bồ tát ấy đã sống một cuộc đời trọn vẹn với một công việc trọn vẹn từ năm này sang năm khác. Cả cuộc đời cô ấy chỉ một mục đích duy nhất đó chính là báo hiếu cho người mẹ đã có công sinh thành ra cô, dù không có thời gian dưỡng dục lâu dài nhưng cái ơn đức dưỡng dục 9 tháng 10 ngày khi cón nằm trong bụng mẹ, 4 năm trời vất vả nuôi con bé dại một mình và lìa đời sớm của người mẹ cô ấy cũng đủ để cho một người con cả đời bỏ hết công sức vào việc báo hiếu và siêu thoát luôn cả những vong hồn không nơi nương tựa của cõi Âm ty. Một câu chuyện thật đẹp và xúc động!
                             Cô tín nữ ấy, lẻ loi một mình trong cuộc đời này nhưng bên cô không đơn độc vì có đạo, có các ni sư trong ngôi chùa bé nhỏ ở khu dân cư lao động nghèo ấy, có đức tin, cô có tất cả: có sự kiên trì, có tấm lòng quảng đại, vị tha và trên hết là tấm lòng hiếu thảo tuyệt đối với người mẹ quá cố của mình. Cuộc đời cô bình dị quá nhưng cái công đức cô để lại cho đời không bình thường, đó là cả một tấm gương chân thực sống động. Là hiện thân của một vị Bồ Tát giữa xã hội hiện đại với những đầy rẫy những điều tưởng chừng như làm con người lạc lối, hoang mang... và nghe câu chuyện của cô, qua lời kể của một người em trai là một chiến sĩ công an bảo vệ. Lòng như nhẹ ra và mênh mang ... thoát tục. Ừ! Cuộc đời này vẫn còn lắm những điều hay ho và những điều kỳ diệu.
                       Chợt nhớ đên những người bạn bè tôi. Học cao, hiểu rộng nhưng... không dám bàn thêm điều gì chỉ hy vọng các bạn tôi, có ai vô tình vào những trang viết của tôi được mở cho mọi người cùng xem, vô tình đọc bài viết này, và chỉ xin một điều rằng đọc xong câu chuyện trên hãy lắng lòng mình vài giây phút để nhắm mắt tưởng niệm về cô - vị Bồ Tát sống hiện thân giữa cõi đời này và nghĩ về những người Cha, những người mẹ mình ...
                       Tôi biết, trong số những bạn bè tôi có những người có cuộc sống gia đình với đấng sinh thành không được trọn vẹn theo nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng trước khi yêu một ai khác ngoài những người thân của mình, hãy yêu thương cha mẹ mình trước đã. Dù cha mẹ có là một người xấu như thế nào với những người chung quanh, với xã hội, nhưng đã trộm khí Trời, tinh cha  huyết mẹ nuôi dưỡng ta nên hình hài ngày hôm nay. Ta lớn lên từng ngày qua mồ hôi cha, qua máu và nước mắt mẹ thì chưa đáp đền được gì đã vội tính công, đã vội kể những điều không hay về cha mẹ mình với chúng bạn.... Bạn ơi! sao không nghĩ rằng, khi ta kể về cha mẹ mình với những điều kém hay ho như thế, người nghe sẽ đồng cảm và thông cảm với bạn sao khi bạn được tạo ra từ những bậc sinh thành như thế?! 
                       Buổi chiều gió lao xao, không chút ánh nắng của một ngày cuối tháng Tư, ngồi ở một quán cafe quen thuộc vắng vẻ của buổi chiều tà sắp mưa... nghe Chênh Vênh của Lê Cát Trọng Lý _ một nhạc sĩ nữ trẻ đầy tài năng gần đây và mới hôm qua kia thôi, tôi còn đọc được một bài phỏng vấn về cô gái nhỏ nhắn này với những lời lẽ trả lời phóng viên đầy thông minh và chân thật. Tôi đã vô cùng thích thú với câu trả lời của cô rằng:"Tôi rất thương bố mẹ vì cả đời họ nuôi nấng tôi, thế nhưng chưa bao giờ tôi thương lại họ, trong khi đi thương một người lạ. Tôi thấy nó kỳ quá, bắt đầu băn khoăn về hai chữ nhân duyên...."
                      Mấy ai trong số bạn bè tôi hiểu được thấu đáo điều này?! 2 chữ "tình yêu" bao hàm nhiều ý nghĩa chứ đâu nhất thiết chỉ nằm trong phạm vi của lứa đôi???
..................ngồi kể lại câu chuyện nghe được bên Thềm Xưa cách đây hơn nửa tháng,... trong tiếng gió xào xạc của hàng tre bên hè quán... ngẫm lại những câu chuyện của các bạn bè trong thời gian qua. Thoáng buồn cho họ,... học chi cho cao, tìm hiểu chi cho sâu, sách vở, bằng cấp, nói tiếng nước này, văn hóa vùng nọ, xứ kia, tôn giáo, chính trị, gì cũng biết...  chỉ duy nhất một điều... cái lẽ sống ở cuộc đời xô bồ này, chắc phải học từ vị Bồ Tát sống hiện thân xuống cõi đời ô trọc này qua cuộc đời của cô bán vé số kia.
                 Chiều nhạt nắng, đắng miệng với tách cafe Rhum nửa muỗng đường, nhưng sau vị đắng, có vị ngọt thơm của rượu và in ít nửa muỗng đường cũng đủ làm miệng ta ngọt ngào sau khi trải qua hương vị đắng cay kia.... Đời vẫn trôi và còn bao nhiêu câu chuyện tôi sẽ được nghe nữa trên quãng đời còn lại đi góp nhặt những gì gọi là cái hồn, cái đẹp của cuộc sống này như câu chuyện một chiếu bên Thềm Xưa???
 
                            Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sài Gòn này, từ bé đến lớn, chứng kiến biết bao cuộc thay đổi thăng trầm của cái thành phố lớn nhất nước và tốc độ phát triển dô thị nhanh nhất, hiện đại nhất, hội nhập và du nhập nhiều nền văn hóa vùng miền cũng như của quốc tế nhiều nhất... Là một cô gái sống cuộc sống thành thị, được sinh vào đầu những năm 80 mà bây giờ người ta thường đặt cho những cái danh xưng "thế hệ 8x đời đầu". Chứng kiến biết bao thăng trầm, bao xu hướng ngày càng văn minh, tiến bộ của giới trẻ. Tôi _ 31 tuổi đầu, cái tuổi không còn trẻ để nhí nhố, để đua đòi mặc dù vẫn còn độc thân, vẫn có những nhóm bạn tụ tập vào những dịp cuối tuần hay ngẫu hứng rảnh rỗi ngồi quán cafe "tám" chuyện đời, chuyện người. Cũng không là cái tuổi quá già để có thể ngồi hoài niệm những gì xưa cổ, lạc hậu để làm cái thước đo so sánh giữa những thế hệ thời này thời kia với nhau.
                     .......Với tôi, may mắn có một nền tảng gia đình tương đối. Tuy không sinh ra trong gia đình giàu có, chỉ là một gia đình lao động bình thường, có những năm phải chật vật, chắt chiu dành dụm lắm mới vượt qua được cuộc sống ngày càng khó khăn theo tình hình chung của xã hội. Tôi _ vào đời sớm... vào đời ở đây là tôi được tiếp xúc, được cọ sát với nhiều hoàn cảnh và con người khác nhau ở lứa tuổi còn khá trẻ của tôi ngày ấy, so với thời bây giờ... đó là tuổi 15.
                             Nhưng tôi may mắn vì tôi có một gia đình có bà nội, có ba mẹ rất hiền lành nhưng cũng rất là nghiêm khắc với con cái. Ngày xưa, khi còn nội, với lứa tuổi tôi ngày ấy, và như người ta thường nói, tuổi giả thường hay thay đổi tâm lý, sinh ra cáu bẳn tính, thường hay gắt gỏng và la rầy con cháu... tôi ngày ấy cũng thường hay khó chịu, bực bội với những lời mắng mỏ, la rầy và sự khó chịu, khó tính của bà nội... nhưng bây giờ. Nghĩ đi nghĩ lại... nếu như ngày ấy, tôi không may mắn có bà nội, có những lời la rầy của nội, không biết tôi sẽ trở thành loại người nào, hạng người nào trong cái xã hội bon chen ngày nay???
                              Ngày xưa _ nội dạy chị em tôi rất nhiều. Có đôi lúc khó chịu, bực bội, cãi lại hay bỏ ngoài tai những lời nội la rầy nhưng ... nhờ những lời la mắng ngày nhỏ mà tôi mới có thể giữ được những gì gọi là cái duyên của con gái, của cái nết con gái; Con gái phải biết nấu nướng, thêu thùa, giặt giũ, vá may (cái chuyện vá may với tôi bây giờ là điều xa xỉ vì tôi không có cái sự khéo léo của may vá). Con gái đầu tóc phải vén khéo, dù có để tóc dài cũng không được để xập xõa, lòa xòa như cái ổ rơm. Con gái ăn nói phải nhỏ nhẹ không được nói rổn rảng, ăn nói phải "dạ _thưa" lễ phép, đi thưa _ về trình, thấy người lớn phải khoanh tay thưa gửi. Gặp người quen ngoài đường phải gật đầu chào hỏi v.v... Và cái câu mà tôi nhớ nội thường hay ví von nhiều nhất ăn sâu vào đầu tôi đó là:"Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe".
                                    Về cái nết ăn của nội dạy mà hình như bây giờ trong nhà tôi là người ảnh hưởng nội nhiều nhất. Ngày bé, nhà tôi đông đúc bà con, lúc nội còn sống, các cô chú, anh chị bên họ nội thường ghé thăm nội vì nội là chị cả trong gia đình, lại nuôi nấng các em từ nhỏ nên các ông bà, các cô chú thường ghé thăm nội. Giỗ quảy, lễ Tết gì nhà tôi cũng thường làm đám rất to, chủ yếu là ở nhà nấu nướng. Từ hôm trước, nội đã ngâm nếp đồ xôi, nấu vịt tiềm, kho thịt, ngâm gạo xay bột làm bánh v.v... những ngày ấy gia đình tôi rộn rịp lắm. Hoặc bữa chủ nhật nào đó, cả nhà ngán cơm nấu bún, hủ tiếu, bánh canh gì đó thay đổi thực đơn thì với nội, ăn gì thì ăn cũng phải ăn lưng chén cơm thêm để dằn bụng. Nội ăn uống cũng rất là kiêng khem và giản dị. Đôi lúc nhà khó khăn, bữa cơm không có gì ăn nội nhường cho con, cho cháu thức ăn ngon dù ba mẹ hay anh chị tôi có gắp thức ăn, có để dành nội cũng chia lại cho cháu, cho con. Với nội, bữa ăn chỉ cần pha cho nội chén nước mắm tỏi ớt là nội có thể ăn hết bữa cơm một cách ngon lành, không câu nệ việc thức ăn, thức uống. Những ngày nội ăn chay, tiện chợ búa thì mua cho nội miếng mì căn xào xả ớt, không thì quả chuối sứ, vài viên chao, là thực đơn ngày chay của nội. Bà con, cô bác nào biếu tấm bánh, quả ngon, vật lạ gì đi chăng nữa cho nội, nội cũng đề dành cho con, cho cháu và người đầu tiên ngày xưa nội thường dành phẩn ngon, phần nhiều đó chính là anh hai tôi vì anh hai là cháu nội trai đích tôn của nội mà lỵ. Thương lắm! Có bữa nọ, bà con biếu cho 2 quả xoài 1 chín, 1 còn hườm hườm,... nội gọt quả chín cho cả nhà ăn tráng miệng sau bữa cơm. Còn quả hườm hườm kia, nội bỏ vào thùng trong tủ đậy kín bảo là vú cho chín, cho thằng Ngọc ăn (anh hai tôi)... vậy mà nội quên, cả nhà cũng quên luôn. Đến khi mẹ tôi dọn tủ thờ, lôi ra được quả xoài quắt queo, đen mốc lên, cả nhà được bữa cười vì cái tính hay để dành của nội, nhưng thương thật thương... thương cái sự nhường cho con, cho cháu của nội.
                           Tính tiết kiệm và xài kỹ thì không ai bằng nội. Chắc có lẽ, cái thời điểm giao thời khốn khó, những năm tháng phải vất vả lo toan tay hòm chìa khóa cho cả đại gia đình mà nội làm chị cả, các bà, các ông ở quê có con cháu lên Sài Gòn học hành, khó khăn cũng đều được nội giúp đỡ cưu mang nên nội rất tiết kiệm và chắt chiu từng ly từng tí. Những năm ấy, chưa có bếp gas như vây giờ, nhà nào sang lắm thì xài bếp dầu, bếp than tổ ong,... riêng nhà tôi vẫn dùng bếp than củi... để dành dụm chất đốr cho những ngày nhà khó khăn, cạn kiệt tiền bạc. Nhà tôi có cái sân rộng trước nhà, có chị hàng xóm bán sầu riêng và cách nhà vài căn có bác bán dừa khô... thế là nội xin những vỏ sầu riêng, vỏ dừa khô về chẻ nhỏ ra rồi phơi trước sân nhà cho thật khô để dành chụm lửa. Tuy khói rất nhiều nhưng cũng đỡ được phần nào chất đốt cho gia đình tôi trong những ngày khốn khó đó... tôi còn nhớ, ngày nhỏ, mỗi lần trời mưa là chị em tôi phải vội vã kéo cái cần xé ra sân nhặt nhạnh các võ dừa, vỏ sầu riêng bày la liệt khắp sân cho thật nhanh để không thì mưa ướt móc meo chụm rất nhiều khói. Đó là công việc tuổi nhỏ làm việc nhỏ của chị em tôi ngày đó.
                        Còn nết ở của nội thì từ lúc sống cho đến khi cuối đời... mẹ tôi chỉ giặt đồ cho nội những ngày nội bệnh già nằm liệt giường, tiểu tiện trên tã lót phải giặt giữ mà thôi. Tôi còn nhớ, ngày đó nội có 1 cái thau nhôm Liên Xô đường kính khoảng 50cm là thau riêng của nội. Mỗi lần nội đi tắm, là mang theo cái thau đó và tắm xong nội giặt luôn bộ đồ vừa thay ra phơi lên liền và nội không bao giờ để đồ ủ qua mấy ngày mối giặt 1 lần hay để cho con cháu giặt đồ của mình. Sáng_nội dậy rất sớm và làm gì làm, cũng phải có bình trà nóng đề đó cho nội (tôi học được thói quen uống trà nóng của nội từ tấm bé nên giờ đã thành thói quen). Trước khi đi ngủ nội thường đọc kinh Địa tạng và bây giờ thói quen đó của nội đã truyền sang tôi trong vài tháng gần đây. Tôi bén duyên với Kinh Địa tạng lúc nào không hay biết?!
                      Còn ở nội nhiều điều nữa mà tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất cho nên bây giờ tuy mới bước qua tuổi 30 được 1 năm thôi nhưng tôi cảm thấy mình khó chịu, khó tính và ngày càng giống nội. Ngày xưa nội dạy con gái, cái nết đánh chết cái đẹp, tốt gỗ hơn tốt nước sơn, ... những lời lẽ rặt mùi ca dao, tục ngữ nhưng bây giờ, lắm kẻ lãng quên. Cái ý, cái tứ, cái duyên con gái thời nào cũng quan trọng trên hết để định hình cái phẩm chất và tư cách của người con gái truyền thống Việt Nam. Với nội tôi ngày xưa, mặc áo hở hang một chút ra đường là không xong xong với nội. Nhiều lúc trộm nghĩ, nội mà sống đến thời bây giờ, thấy các cô gái trẻ ra đường ăn mặc trống trước, hở sau chắc nội có mà lắc đầu chào thua hoặc la mắng giùm cho cha mẹ chúng nó không biết dạy dỗ con cái quá...Nhờ nội, tôi học được từ nết đi, nết đứng, nết ăn, nết ở... đi không lê dép, ăn uống không nên xa xỉ, nói năng phải lễ phép dịu dàng mặc dù đôi lúc với tính tình nóng như lửa tôi cũng la hét um sùm lên khi cơn giận tới, nhưng lâu ngày cũng học được cách kềm hãm cái tính khí thất thường của mình lại.. Ngày bé, oán nội hay la mắng, nội mất năm tôi mười chín tuổi, ... cũng là một cô gái lớn vừa ra đời được 3 năm rồi... những ngày cuối đời, nội như một đứa bé nằm tại chỗ cho con cháu săn sóc và nội yếu dần, yếu dần như ngọn đèn dầu cạn leo lắt rồi tắt hẳn. Tôi còn nhớ ánh mắt nội những giây phút cuối cùng nhìn chung quanh con cháu đủ đầy, ...và đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi chứng kiến cái ranh giới giữa sự sống và cái chết. Mở đầu cho cái nghiệp của tôi sau này ... sự ra đi của nội làm tôi ngộ ra được nhiều điều. Năm đó, tôi vừa tròn mười chín tuổi.
.....................12 năm trôi qua rồi, qua những thăng trầm , chứng kiến nhiều cuộc tan họp, mất mát, chia ly, của bà con, bạn bè, hàng xóm, láng giềng... Hơn mười năm thôi, cuộc sống xã hội bon chen thay đổi đi nhiều thứ, cuốn mọi giá trị, phẩm chất con người theo guồng quay của xã hội. Tôi_cũng có một thời gian chao đảo, mất phương hướng, mục đích, lẽ sống ở đời. Tôi_có nhiều lúc tưởng như dòng đời xô đẩy, muốn nhắm mắt đưa chân chạy theo vội vã một cái gì đó phù phiếm, xa hoa nặng về vật chất đề hòng tìm kiếm cho mình một cuộc sống dễ thở hơn, được đủ đầy hơn trong cái hình thức như bao bạn bè, những người chung quanh vẫn làm. Nhưng một khi tôi sắp có những tư tưởng chao đảo đó, những lời nội la rầy thuở bé lại làm cho tôi chựng lại, những giấc mơ thấy ngày còn bé bên nội, bên cha, bên anh hai (những người thân trong gia đình tôi đã mất)  đã làm cho tôi vững thêm lòng tin về con đường mình đang đi và không chuyển hướng sa ngã.
                    Có những lúc bên bạn bè, tôi cảm thấy như mình lạc hậu hẳn so với chúng bạn sành điệu, nhưng khi về đến nhà, nơi bình yên nhất của tôi, tôi lại cảm ơn về cái sự lạc hậu, không bon chen sân si của mình., Đó là cách để tôi giữ thăng bằng của cuộc sống và cảm giác bình yên trong tâm hồn của mình mà có nhiều người vẫn thầm ganh tỵ với cuộc sống quá bình thản đó của tôi. Không có gì là lớn lao cả chỉ vì tôi nhờ có nội, có những lời nội la rầy từ bé, và tôi có cái sự "đúng mực" của mình. Với tôi, mọi thứ đều có giới hạn. Đi quá giới hạn, bạn sẽ mất thăng bằng. Đơn giản vậy thôi!!!
                     Những ngày gần đây, bạn bè, đám em thanh niên cùng cộng sự thường gọi vui tôi là "Cổ vật chưa được khai quật". Các em gọi bằng một giọng kính nể và trìu mến chứ không có ý châm biếm, mỉa mai. Tôi biết các em đang chọc ghẹo mình vì cái sự "gái ba mươi mà vẫn đi về 1 bóng" mặc dù chung quanh làm việc toàn là nam giới. Nhưng không có một em nào tỏ ra khiếm nhã hay vô lễ với tôi cả. Tôi biết các em quý mến mình trong cách xử lý công việc và giao tiếp đúng mực với các em nên mới gọi tôi là "Cổ vật" như thế! 
                         ............Tôi là "cổ vật" vì tôi đã may mắn có được một người bà nội sống từ những năm đầu của thế kỷ 20, trải qua những thăng trầm của cuộc sống, của xã hội, của thời thế đã truyền dạy, la rầy tôi từ những ngày còn bé để có được ngày hôm nay, dù xã hội có thay đổi, dù cuộc sống có thay đổi nhưng con người truyền thống trong tôi không thay đổi. Đó là bí quyết và cũng là sự may mắn duy nhất của tôi. Cảm ơn nội của tôi!

 
            Thật khó mà định nghĩa được tình yêu là gì?!
          Dạo này thấy bạn bè, anh em chung quanh ta nhiều người lăn tăn chuyện tình cảm yêu đương trai gái quá! Làm bản thân cũng có chút gì đó băn khoăn.... tự hỏi lòng phải chăng ta vô cảm rồi ư?!
          Ngày xưa, ở cái lứa tuổi thanh niên, mười tám, hai mươi, cũng yêu, cũng lăn tăn, cũng bâng khuâng, xao xuyến, say nắng, say mưa với đôi khi là một ánh mắt âu yếm, đôi khi là một cái nắm tay rụt rè, một cái vô tình đụng nhẹ, một câu nói, một cử chỉ quan tâm, lo lắng, chăm sóc của người mình để ý....rồi ngộ nhận, rồi say nắng, say mưa, rồi dệt mộng, rồi suy đoán, suy diễn, nuôi ảo tưởng.... những thứ cảm giác ấy, những cảm xúc ấy như từng cơn sóng, đến rồi đi, có khi thì dữ đội, ồn ào, có lúc lại lặng lẽ, dịu êm.... rồi thôi... mỗi đợt sóng đến như vậy, cuốn ập vào đem theo bao nhiêu là những thứ mà ta gọi đó là kỷ niệm... có cái tấp vào bờ và lưu lại mãi nhưng cũng có khi sóng đến dữ dội, bất thần ập vào rồi lại bất giác dạt ra và cuốn theo bao nhiêu là thứ trôi tuột theo nó.... Và những cơn sóng tình cũng vậy!
             Tình cảm của con người, theo thời gian có thể biến chuyển và thay đổi mà với những người suy nghĩ hẹp hòi cục bộ, họ có thề cho rằng đó là một sự phản bội, họ có khi không chấp nhận sự thật khi người mà mình hằng yêu thương lại có lúc rời xa mình để đến với một người khác... 
                 Có nhiều người cho rằng tình yêu của con người là một thứ phù phiếm và không bao giờ vĩnh cửu. Vâng! Trên đời này làm gì có thứ gọi là vĩnh cửu, chỉ có những điều ở mức tương đối mà thôi. Cách ta nhìn nó vĩnh cửu hay không là do bản thân ta có biết hài lòng với những thứ ta đang có hay không mà thôi?!
                     Với ta, ta tin tình yêu có sự vĩnh cửu, bản thân tình yêu không có tội .... dù trải qua những cuộc yêu đương, song phương có, đơn phương có, có những đắng _ cay _ ngọt_ bùi nhưng khi ta chia tay, tất cả ta lưu giữ như những kỷ niệm đẹp đẽ, không tiếc nuối, không ân hận, không day dứt, và ta trân trọng những tình cảm đó đã qua và giữlại những gì tốt đẹp nhất như vốn liếng trong hành trang cuộc đời của ta vậy. Chính vì thế, ta có những bạn bè, anh em thân thiết , khi cần, khi hoạn nạn là ở bên cạnh giúp đỡ nhau, chia sẻ an ủi nhau và những người đó ta đã từng yêu, đã từng ngồi với ta chung một đoạn đường nhưng có lẽ vì có duyên không phận nên ta và người không thể thành đôi. 
                    Khi chia tay, ta rút lui trong lặng lẽ, trong im lặng, không có nước mắt, không có sự trách móc, không có những màu mè của hoa lá cành rườm rà của sự chia ly... chỉ có những cơn mưa lang thang độc hành rửa giùm ta nỗi đau của sự chia ly đó.... mà nguyên nhân của những sự chia ly đó có khi là người lỗi, có khi là ta cảm thấy không thề hòa hợp được và ...........lặng thầm chia tay. 
                        Và sau mỗi lần chia tay , sau mỗi lần chấm dứt một chuyện tình hay sau mỗi lần có một người vừa đi qua cuộc đời ta như thế trái tim ta lại thêm lồi lõm những sẹo, những vết cắt, những vết khuyết.... nhưng ta chấp nhận và mỉm cười.
                     Cón các bạn ta, chắc mỗi người có những cảm nhận khác nhau về tình cảm con người... có những suy nghĩ  và hành động khác nhau qua những cơn sóng tình như thế nên cách họ đối phó với những cơn sóng tình cũng thật là khác nhau.
                      Có người xưng tụng nỗi buồn, dệt thêm hoa lá, tô màu cuộc tình mình như một thiên tình sử để rồi khi không vẹn tròn, ôm mối hận tình, đau đớn, mất cả niềm tin nơi người khác phái, để rồi trượt dài, để rồi mang theo tư tưởng hận thù, trả thù đời, trả thù tình.... Họ đâu biết rằng chính họ đã đào thêm cho mình những hố sâu ngăn cách, họ đã lấp mất đường tìm kiếm cho mình những cơ hội mới để mở cửa con tim, để tìm ra cho mình tình yêu chân thật. Họ đã gom đũa cả nắm và nhìn đời với một gam màu đen u ám.
                      Có người hoang tưởng với cuộc tình hiện tại, khi yêu họ dệt mộng màu hồng, nhưng khi có những vấp váp trở ngại khó khăn xảy ra, tình yêu không đủ lớn để vượt qua được tất cả những khó khăn trắc trở ấy, họ buông xuôi và than thân trách phận cho duyên số của mình để rồi tuyệt vọng, bi quan, bế tắc.... cùng đường, quẫn trí....
                          Có bạn khi tình yêu tan vỡ, quay lưng lại nói xấu, hận thù người mình đã từng yêu thương, vai kề vai một thời. Ta đã từng bị shock khi nghe một câu nói thốt ra từ một người bạn gái, sau khi chia tay cuộc tình ba năm với anh bạn trai, vì lý do 2 người không hợp và những lý do khác mà khi mới yêu nhau họ đã bị che mắt nhau những khuyết điểm....khi người bạn trai ấy đi lấy vợ, chuẩn bị có con thay vì mừng cho người mình từng yêu có một gia đình hạnh phúc thì cô bạn gái ấy đã thốt lên rằng:"Thằng chó đẻ đó sắp có con."_ Thật bất ngờ và phản cảm vô cùng!
                          Có những bạn trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay, không yêu bằng cảm nhận con tim, không yêu vì những cảm xúc yên bình hay sự đồng cảm chia sẻ của đối phương mang lại mà họ đã yêu bằng đôi mắt, họ đã yêu bằng đôi tai, họ đã yêu với cái vỏ bọc, với cái vị trí, cái hào nhoáng và những danh hiệu, cái  vật chất phù phiếm, xa hoa. Với họ những cơn sóng tình mang lại cho họ chỉ là những giây phút vui chơi, những lời ca tụng, khen ngợi, những cảm giác yêu đương vội vã của nhục dục để rồi sau dó là những khoảng trống mênh mang, họ vẫn cảm thấy sự cô đơn trống vắng và thèm khát được cái cảm giác yêu đương đích thực của sự dịu dàng, chia sẻ thật sự, họ đâu biết cái họ cần thực sự chính là một bờ vai để tựa đầu những khi mệt mỏi; là một sự im lặng lắng nghe khi họ thổn thức chuyện đời; là sự im lặng sẻ chia những nỗi đau mệt nhoài trong cuộc sống mưu sinh và sự đồng cảm, nhìn về một hướng của 2 con tim chung một nhịp đập....
                      Ta thà yêu đơn phương một người để ngày ngày hạnh phúc , vui buồn đồng hành cùng với người ta yêu thương trên từng bước đường đời.... còn hơn ta phải vai kề vai, sát cánh, tựa đầu vào bờ vai của một người mà cả cuộc đời ta không thề nào hòa hợp được, không thế nào mang đến được cho ta cảm giác bình yên sau từng giờ từng phút đối mặt với những lo toan vất vả của cuộc đời bên ngoài.
                        Trong ta cũng đang có những cơn sóng tình lăn tăn gợn sóng.... chưa biết lúc nào sẽ biến thành thủy triều lớn để cuốn trôi tất cả nhưng ta tin, ta có thể dung hòa được cơn sóng tình ấy để biến nó thành những gợn sóng lăn tăn yên ả cho cõi lòng ta được thanh thản và vui sống cùng bạn bè, người thân.
                        Và các bạn cũng vậy nhé! Các bạn của ta.... đừng sợ những cơn sóng tình trong lòng mình nhưng đừng biến nò thành những cơn sóng thần ập đến vội vã để rồi cuốn phăng đi tất cả tan hoang, hoang tàn, đổ nát, .... lúc đó chỉ còn lại là những niềm đau và sự ân hận day dứt cả đời!
                         
 
                     Mấy ngày nay trong xóm nhỏ trên con đường Hòa Hưng của mình xảy ra nhiều việc quá! Đầu tiên là cách đây hơn 10 ngày, một vụ tai nạn giao thông xảy ra cách nhà  mình mười mấy met. Hậu quả là 1 người sau khi được đưa đi bệnh viện cấp cứu thì đã chết ngay sau đó.
                    Người bị tai nạn giao thông vừa chôn xong thì đến cụ bà 91 tuổi gần nhà mình lại lìa đời... Trong xóm còn có bao cụ bà cựu trào đâu...và lại tiễn biệt thêm một người nữa.
                      Cụ bà vừa được chôn cất hôm trước thì hôm sau đã xảy ra một vụ án mạng và thêm một người nữa lìa đời. Anh Trực, chồng của chị Yến, hàng xóm đối diện xéo nhà mình đang ngồi nhậu trước nhà với các anh em vợ trong gia đình và mấy người hàng xóm thì lại bị sát thủ không biết do ai thuê mướn đến đâm mấy nhát vào ngực và chết trên đường đem đi cấp cứu.
                      Cho đến giờ mình mới cảm nhận thật sâu sắc rằng cuộc đời này thật là vô thường! Mọi việc diễn ra quá nhanh chóng, không ai ngờ đến được... cuộc đời thật mong manh, ngắn ngủi làm sao...?!?
                        MỘt đời người _ có người sống thọ và hiền lành như cụ bà 91 tuổi hàng xóm nhà mình kia... sống qua mấy thời từ lúc con đường Hòa Hưng vẫn là một xóm mái lá nhà tranh, hoang sơ, hẻo lánh theo lời mẹ kể cho đến khi bây giờ là một con đường sầm uất, đông đúc chật chội... Cụ vẫn như thế, nhớ lúc cụ còn sống, thường nhắc cái ghế ra ngồi trước nhà mỗi buổi chiều để nhìn đường xá, xe cộ qua lại. Trông cụ thật hiền lành và đôn hậu làm sao??? Cụ đã sống m6t đời thật thanh thản và bình yên và nghe kể như ngọn đèn dầu cạn dần và từ từ lụi tàn, cụ ra đi do bệnh già cũng êm ái nhẹ nhàng như cách cụ thể hiện lúc còn sống. Con cháu quây quần, tiếc thương lúc cụ lìa đời. Đám tang diễn ra thật tươm tất chu đáo, tiễn cụ về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê nhà. Vậy là một đời người trọn vẹn đã đi qua!
                      Cũng là một đời người, vậy mà người bị tai nạn giao thông, một người đàn ông, sống với mẹ già bán xôi ở đầu chợ nhỏ. Ông còn độc thân và làm nghề chạy xe ôm nhưng sáng say, chiều xỉn, không biết do cuộc sống khó khăn, quẫn chí hay theo thói thường của những người làm nghề lao độngt phổ thông chân tay mà họ thường mượn rượu để giải sầu, để tìm quên sau một ngày lao động mệt nhọc... và tai nạn giao thông xảy ra khi trong người có men rượu, lái xe quá tốc độ là điều tất yếu. người đàn ông đó mất đi để lại mẹ già khổ cực với xe bán xôi mỗi buổi sáng. Ông nằm xuống đã yên nghỉ rồi, nhưng nỗi đau của người mẹ già thì bao giờ nguôi và đến khi người mẹ 100 tuổi... ai sẽ lo??? Thật là đau lòng... cũng là một đời người, một kiếp người đã qua...
                       ..........Và điều làm mình cảm nhận thật sâu sắc về cuộc đời mong manh ngắn ngủi đó là cái chết của anh Trực, hàng xóm đối diện nhà mình. 
                             Chỉ mới ngày hôm kia thôi, mình vừa về nhà sau 2 đám sinh nhât của 2 người bạn ... chạy xe về trước cửa nhà, nhìn sang nhà anh, còn thấy anh đang ngồi nhậu với các anh em trong gia đình và hàng xóm, bàn nhậu vui vẻ, bình yên... vậy mà mình mới quay lưng vô nhà chưa đầy mười phút sau đã nghe ồn ào phía trước nhà và chỉ một tiếng sau đó anh đã lìa đời do vết đâm sâu của tên sát thủ máu lạnh nào đó mà ngay cả hắn cũng không biết mặt anh là ai, chỉ do người ta thuê  mướn và xướng tay một cách lạnh lùng tàn nhẫn như thế!?
                             Anh Trực mất đi với tuổi còn quá trẻ, 37 tuổi và con gái thì chỉ mới 3 tuôi thôi. Vợ anh, chị Yến, vật vã khóc ngất lên ngất xuống. Mọi người trong xóm ngỡ ngàng, thương xót... cũng là một kiếp người, một đời người đã đi qua...
                             Đời một con người chứa đựng những điều bất ngờ khó lý giải được mà với môt người suy nghĩ nhiều như mình, một người khá nhạy cảm và có những giác quan thật khác người như mình nhiều lúc còn cảm thấy ngỡ ngàng và khó hiểu. 
                           Càng lớn mình càng cảm thấy cuộc sống thật là khó khăn, phải đấu tranh, phải vật lộn với cuộc sống, với chính cả bản thân mình và chiến đấu ngay cả với hính bản thân, bản năng của mình nữa. Để làm một người bình thường đã khó mà để trở thành một người tốt, một người được mọi người vị nể, tôn trọng lại càng khó gấp trăm lần. Có những cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa, nhưng cũng có những cuộc đời được kéo dài như một sự hành xác, như một cái nợ từ kiếp trước đã vay nên kiếp này phải trả, phải sống để chịu đựng những gì mà từ kiếp trước đã gieo.... thật khốn khổ vô cùng.
                         Cuộc sống để sinh tồn là một cuộc chiến đầu sinh tử, con người ta phải lừa lọc, dối trá, bon chen, chà đạp l,ẫn nhau để cố giành được cho mình một thừ gì đó, vô hình, phù phiếm... ảo ảnh để rồi khi kết thúc cái cuộc đời ngắn ngủi đó, ta lại nằm xuống tay trắng, bỏ lại tất cả ....
                          Vậy thí bon chen để làm gì? Sân si để làm gì? Ganh đua để làm gì?.... ta rồi cũng sẽ trở thành cát bụi, vô hình, .... tất cả đến đi nhanh như một hơi thở, nhanh như một cái chớp mắt,.... thoắt một cái, một đời người, một kiếp người đã trôi qua.
 
                                    Một con én không làm nên mùa xuân.
                                Ngày xửa ngày xưa... à! Mà không phải! Ngày nảy ngày nay mới đúng!
                             Trong một khu phố lao động bình dân nọ, có một gia đình chim én gồm ba thành viên. Chim én bố, chim én mẹ và chim én con. Gia đình én nọ làm tổ trên một ngọn cây cổ thụ già nua còn sót lại sau bao nhiêu thăng trầm của quá trình đô thị hóa các khu phố, xóm ấp... và khu phố với thành phần dân lao động bình dân đó, bỗng chốc nghiễm nhiên gắn cái bảng là Khu dân cư Văn hóa nên cuộc sống của người dân ở đây cũng trở nên văn hóa hơn cho xứng tầm với khu dân cư mình đang ở. Chuyện... bình thường!
                                   Gia đình chim én nọ cũng bình thường không có gì phải nói! 
                                 Mỗi sáng, chim én bố dậy sớm, bay quanh quẩn khắp nơi để kiếm mồi tha về cho chim én mẹ và chim én con. Chim én mẹ thì ở nhà lo cho chim én con đi học, sau đó may vá, chăm sóc cho cái tổ ấm của mình. Cuộc sống của gia đình nhà chim én nói chung là êm ả và tương đối hạnh phúc.
                           Hạnh phúc hay không thì còn tùy vào người bên trong cuộc cảm nhận. Người ngoài cuộc chúng ta đôi khi vì những suy nghĩ cảm quan, chủ quan của mình thì cho là như vậy... nhưng đâu ai biết được sóng ngầm bên trong từng tổ chim ???
                             Chim én mẹ là một con chim mái xinh xắn, vì cảm cái ơn của chim én trống từng trải đời, chín chắn, chững chạc và giúp đỡ cho gia đình mình khá nhiều nên đồng ý làm vợ. Đôi chim én ấy có một chú chim con bụ bẫm, đáng yêu. Với chim én trống, tổ chim én đó là cả cuộc sống, là niềm tin, là hạnh phúc cả cuộc đời của con chim én trống ấy. Cuộc sống của những năm đầu mới thành đôi, phải lìa xa nơi vùng biển thân yêu để hòa nhập với cuộc sống nơi thị thành, đôi chim én trẻ ấy đã phải vất vả, vật lộn với cuộc sống để mưu sinh. Nhất là chim én mái, có chim non quá sớm, cô chim én mái xinh đẹp ấy đã phải hy sinh rất nhiều tuổi xuân của mình cho cuộc sống gia đình và chăm sóc cho chồng, cho con. Đó là một tổ ấm hạnh phúc mà bất cứ loài chim nào nhìn vào cũng mơ ước!
                             Khi cuộc sống đã tương đối ổn định hơn, chú chim non bé bỏng đã cứng cáp, đã đến trường... thương vợ, anh chim trống đã phải làm nhiều việc vất vả hơn để tạo điều kiện cho cô vợ trẻ của mình có thể hòa nhập với cuộc sống thị thành bằng những kiến thức của trường lớp, để có thể đổi đời, để có thể có chỗ đứng vững chắc nơi cái thành phố xa hoa, hiện đại, nhộn nhịp nhưng cũng lắm bon chen này.
                                  Cô chim én mái, là một cô chim nhí nhảnh, hồn nhiên tuổi trẻ, năng động và say sưa với niềm đam mê nghệ thuật nhưng vì do hoàn cảnh gia đình không cho phép, cô đã sớm từ bỏ những ước mơ của mình để vun vén cho cuộc sống gia đình riêng. Nhưng những đam mê, dòng máu phiêu lưu, mạo hiểm của loài én vẫn luôn thôi thúc cô và khi được tạo điều kiện sổ lồng, cô chim én ấy đã tung tăng sải đôi cánh bé nhỏ của mình, tập tễnh bay vào cuộc sống hiện đại mà theo cô, bao năm trời hy sinh cho cái tổ ấm riêng của mình, cô đã bỏ phí cái tuôi xuân ấy, cái khoảng trời rộng mở kỳ thú đó...!!! và cô hăm hở lao vào những cuộc vui, những cuộc chinh phục, cô kết giao với những mối quan hệ mới, với đủ giống loài mà quên mất mình chỉ là một cô chím én bé nhỏ, quên mất đằng sau lưng mình là cái tổ ấm bé nhỏ với chú chim trống giản dị là chồng và chú chim non lẻ loi là con đang chờ đợi mình nơi cái tổ chim ấy...?!
                                        Cô chim én ấy đã suy nghĩ nhiều, nhưng với cái suy nghĩ một chiều ích kỷ cá nhân của mình. Cô cho đó là sự đền bù cho những tháng ngày cô đã hy sinh cái sự riêng tư vốn có mà cô đáng lý sẽ phải có nếu như cô không phải dành tất cả cho tổ ấm riêng của mình. Cô cho là cô thiệt thòi so với chúng bạn cùng trang lứa với mình. Và cô bất chấp tất cả, bao lời khuyên của bạn bè, của chú chim trống là chồng, và những bữa cơm tối ngày càng nhạt dần khi bên mâm cơm là 2 chú chim chồng và con cô lẻ loi chờ đợi cô về. Với những lý do cho những mối quan hệ, giao tiếp, cô đã đi xa, đi quá xa cái bến bờ và cái ranh giới của đâu là gia đình, đâu là xã hội?!
                                  Cô đua đòi, bon chen theo chúng bạn, cô sống vội vã quay cuồng, chạy theo cho kịp nhịp của thời đại mà cô đâu biết rằng dòng thời gian ngày càng nhanh, mọi thứ ngày càng thay đổi đến chóng mặt... cô chưa kịp tiếp nhận cái này, cái khác đã vội thay thế và cái cũ bị đào thải... và cô hoang mang, lạc lối. 
                                    Cô chim én nhỏ ấy đâu biết rằng, giữa dòng đời như cơn bão ấy, với đôi cánh bé nhỏ của mình cô không thể nào bay hết khắp mọi nơi,... với cái tâm hồn thơ ngây non nớt, thiếu chín chắn trong nghĩ suy, cô đã đánh đổi hạnh phúc của mình cho những thứ cảm xúc phù phiếm mà cô cho đó là những cơn "say nắng", "say mưa" bất chợt. 
Cô say nắng với anh Mây, anh Gió nào đó và... hoang mang, đau khổ, bi thương khi anh Gió, anh Mây đã bay đi với hạnh phúc mới của người ta... cô quên mất chú chim trống chồng mình đang ngày héo hon và lặng câm chờ mình bên tổ...
                                     Đáng thương thay cho cô chim én nhỏ đó... cô nông cạn và bồng bột quá! Cô cứ nghĩ sự lãng mạn, tâm hồn đa cảm cùa mình sẽ là điểm quyến rũ anh Gió, anh Mây, anh Ong, anh Bướm nào đó đầy dẫy ngoài xã hội sẽ đáp dưới chân cô ư?!
                                     Cô đang từ từ biến cái tổ ấm của mình thành cái tổ lạnh, cô đã tự tay rút từng sợi rơm trong cái tổ mà bao năm 2 vợ chồng cùng vun đắp để vứt ra ngoài mà cô không hề biết?!
                                            Cô không hế biết rằng, từng sợi rơm của cái tổ bé nhỏ ấy được rút dần, cái tồ lỏng lẻo, một ngày nào đó, cơn bão đời thổi qua, cái tổ sẽ bay vèo đi mất... lúc đó liệu chim én trống và chú chim non dại khờ có tha thứ cho cô ???
                                                  Một con én không làm nên mùa xuân!?