Tăng Tử, tên là Sâm, tự là Tử Dư, người ở ấp Vũ Thành nước Lỗ, sanh vào thời Xuân Thu, là học trò giỏi của Đức Khổng Tử, được đời sau tôn là Tông Thánh trong hàng Tứ Phối, truy tặng là Thành Quốc Công. Tăng Tử phụng dưỡng cha mẹ rất hiếu thảo. Bữa ăn nào cũng rán mua đủ rượu thịt cho cha mẹ dùng.  Khi cha mẹ ăn  xong, đồ ăn dư lại, cha mẹ muốn cho ai thì ông vâng lời đem cho người ấy.

    Cảnh nhà hàn vi, ông thường vào rừng đốn củi. Có một người khách đến chơi, Mẹ muốn gọi ông về ngay nhưng không biết phải làm thế nào. Trong lúc lúng túng, bà cắn vào đầu ngón tay thật đau. Tăng Tử đang chặt củi trong rừng, chợt cảm thấy lòng quặn đau kỳ lạ, e có việc không hay xảy đến cho mẹ nên vội thu xếp gánh củi trở về nhà. Gặp mẹ mới giải rõ nguồn cơn. Thật là cốt nhục tình thâm tương cảm.

    Đời Châu mạt có Thầy Tăng Tử,
    Thờ mẹ cha thì giữ chí thành.
    Bữa thường rượu thịt ngon lành,
    Cho ai vâng cứ đành rành không sai.
    Nhà bần bạc thường đi hái củi,
    Quãng mù xanh thui thủi non sâu.
    Mẹ ngồi tựa cửa bóng sau,
    Nhơn khi khách đến trông mau con về.
    Rối trong dạ nhơn khi cùng túng,
    Cắn ngón tay cho động lòng con.
    Trong non bỗng chốc bồn chồn,
    Quặn đau khúc ruột bước dồn gót chơn.
    Quì dưới gối kề gần thưa hỏi,
    Lắng bên tai tỏ rõ nguồn cơn.
    Cho hay từ hiếu tương quan,
    Non Đồng tuy lở, không hàn tiếng chuông.



 
      Hoàng Đình Kiên sinh vào đời nhà Tống, hiệu là Sơn Cốc, còn có tên là Tăng Trực, làm quan Thái Sử triều vua Nguyên Hựu, thờ cha mẹ rất hiếu thảo. Tuy làm quan chức cao, trong nhà có nhiều tôi tớ, nhưng ông tự mình chăm sóc những thứ đồ dùng để tiểu tiện của cha mẹ, dù dơ bẩn thế nào, ông cũng chính tay lau rửa, không để cho đày tớ làm.

    Triều Nguyên Hựu có thầy Tăng Trực,
    Là họ Hoàng ngồi chức Sử thần.
    Ơn vua đã nhẹ tấm thân,
    Phận con vẫn giữ thờ thân như ngày.
    Đồ dơ bẩn tự tay lau chuốt,
    Việc tầm thường chẳng chút đơn sai.
    Há rằng sai khiến không ai,
    Đem thân quan trọng thay người gia nô.
    Chức nhân tử phải cho cần khổ, 
    Có mẹ cha mới có thân ta.
    Cho hay đạo chẳng ở xa,
    Hãy làm hiếu tử mới ra trung thần.

     




 
    Sưu Kiềm Lâu, người nước Tề, tánh rất có hiếu, được làm quan lịnh ở huyện Sàn Lăng, đến nhận chức chưa được 10 hôm thì xảy đâu lòng ông kinh hoảng lạ thường, mình đổ mồ hôi như tắm, thì ông biết cha mẹ ở nhà chắc là có việc gì xảy ra chẳng lành. Ông xin từ quan để trở về nhà, mới hay cha bịnh nặng đã 2 ngày. Lương y nói rằng : Nếu muốn biết bịnh khó dễ thì nếm thử phẩn, như có vị đắng thì chữa khỏi, còn có vị ngọt thì rất khó trị. Sưu Kiềm Lâu nếm phân thử thì cảm thấy có vị ngọt, lòng rất lo sợ tánh mạng của cha già,

    Đêm đêm, ông đốt hương nhắm sao Bắc Đẩu khấn nguyện cho cha hết bịnh. Sau đó, ông  mơ thấy một người đến đưa ra một cái thẻ vàng có chữ :Sắc Trời cho bình an. Quả nhiên, mấy ngày hôm sau thì cha ông uống thuốc khỏi bệnh.

    Quan Thái Thú nghe ông Sưu Kiềm Lâu có lòng hiếu như vậy nên cho ông phục chức quan trở lại.

    Sưu Kiềm Lâu có danh Tề quốc, 
    Huyện Sàn Lăng nhận chức thân dân.
    Tới nha chưa được một tuần,
    Mồ hôi như dội, tâm thần thường đau.
    Treo ấn ruổi vó câu bươn bả,
    Về thăm cha bệnh đã hai ngày.
    Nếm dơ vâng cứ lời thầy,
    Ngọt ngào đầu lưỡi, chua cay trong lòng.
    Thấy sách dạy “bệnh trung nguy khổ “ 
    Ước làm sao bệnh đỡ mới cam.
    Đêm đêm hướng Bắc triều tam,
    Xin đem tánh mạng thay làm thân cha.
    Lòng cầu khẩn thấu tòa tinh tú,
    Chữ bình an vui thú đình vi.
    Cho hay máy động huyền vi,
    Thay mình truyện trước còn ghi Kim Đằng.

     







 
    Giang Cách, người đời Hậu Hán, mồ côi cha từ lúc còn bé, thờ mẹ rất hiếu. Gặp lúc loạn lạc, Giang Cách cõng mẹ chạy đi lánh nạn. Giữa đường quân giặc bắt được hai mẹ con. Ông khóc lóc van xin thảm thiết cho được sống để nuôi mẹ già. Quân giặc động lòng tha cho. Giang Cách đưa mẹ qua ở đất Hạ Bì, ngày ngày cố sức đi làm thuê nuôi mẹ cho qua cơn loạn lạc.

    Hán Giang Cách cô đơn từ bé,
    Bước truân chuyên với mẹ đồng cư.
    Đương cơn loạn lạc bơ vơ,
    Một mình cõng mẹ ngẩn ngơ dọc đường.
    Từng mấy độ chiến trường gặp giặc,
    Giặc cố tình hiếp bắt đem đi.
    Khóc rằng : Thân mẹ lưu ly,
    Tuổi già bóng chiếc biết thì cậy ai.
    Giặc nghe nói thoắt thôi chẳng nỡ,
    Rồi dần dà qua ở Hạ Bì.
    Dấn mình gánh mướn làm thuê,
    Miễn nuôi được mẹ quản gì là thân.
    Mỗi đồ vật sắm lần no đủ,
    Áng xuân phong tươi nét từ nhan.
    Cho hay những lúc gian nan,
    Thật vàng dẫu mấy lửa than cũng vàng.

     



 
    Đổng Vĩnh, sanh vào thời Hậu Hán, nhà rất nghèo, nhưng ở với cha mẹ  rất  hiếu  thảo.  Khi  cha  mất,  trong  nhà không có tiền để lo việc tang cho cha, ông đến nhà một người phú hộ để xin vay tiền và cam kết khi xong đám tang cha thì ông sẽ đến dệt đủ 300 tấm lụa lấy công trừ nợ.

    Nhờ số tiền vay nầy, Đổng Vĩnh lo việc tang cho cha xong xuôi tốt đẹp. Ông liền thu xếp công việc để qua nhà người phú hộ dệt lụa trừ nợ. Dọc đường đi, Đổng Vĩnh gặp một người con gái xinh đẹp và thùy mị, cùng hứa hẹn kết nghĩa trăm năm nhưng giao kết sau khi dệt xong 300 tấm lụa. Người con gái nói rằng nàng rất thạo nghề dệt lụa, nên xin theo chàng đến nhà phú hộ giúp chàng dệt cho mau xong.

    Nhờ có nàng phụ giúp, Đổng Vĩnh dệt xong 300 tấm lụa rất mau và lụa rất đẹp.

    Cả hai cùng trở về nhà, và khi đi ngang qua chỗ gặp nàng trước đây, người con gái nói với Đổng Vĩnh rằng :

    - Tôi là Chức Nữ trên Trời, nhơn thấy anh nhà nghèo mà có lòng chí hiếu, nên xuống giúp công cho anh trả nợ, nay chẳng đặng đứng lâu.

    Nói dứt thì mây giăng mù mịt, nàng đằng vân bay mất.

    Đến đời nay, chỗ đó còn cái giếng giặt tơ làm dấu tích.

    Đời Hậu Hán có người Đổng Vĩnh,
    Nhà rất nghèo mà tánh rất thành.
    Thấu chăng, chăng thấu Trời xanh,
    Phụ tang để đó, nhân tình còn chi.
    Liều thân thể làm thuê công việc,
    Miễn cầu cho thể phách được yên.
    Cực người thay nhẽ đồng tiền,
    Đem thân hiếu tử băng miền phú gia.
    Bỗng gặp kẻ đàn bà đâu đó,
    Xin kết làm phu phụ cùng đi.
    Lụa ba trăm tấm dệt thuê,
    Trả xong nợ ấy mới về cùng nhau.
    Đến chốn gặp bỗng đâu thoạt biến,
    Là Tiên Cô Trời khiến giúp công.
    Cho hay Trời vốn chiều lòng,
    Há rằng cao thẳm ngàn trùng cách xa.


     






 
    Diễm Tử, sanh đời nhà Châu, phụng dưỡng cha mẹ rất hiếu thảo. Khi cha mẹ già, mắt lòa, lại thèm uống sữa hươu từng ngày. Diễm Tử lập kế, lấy da hươu khô may làm quần áo giả làm hươu con, rồi vào rừng lẫn vào đám hươu, đến gần hươu mẹ, vắt sữa hươu mẹ, đem về cho cha mẹ dùng.

    Một hôm, bọn thợ săn vào rừng săn thú, thấy Diễm Tử trong lốt hươu tưởng là hươu thiệt, định giương cung bắn chết. Diễm Tử vội la lớn rồi trút bỏ lớp da hươu, giải bày sự việc. Bọn thợ săn mến phục Diễm Tử là người mưu trí và  hiếu thảo.

    Châu Diễm Tử làm con rất thảo,
    Chiều hai thân tuổi lão niên cao.
    Mắt trần khuất nguyệt mờ sao,
    Sữa hươu, người vẫn ước ao từng ngày.
    Vật khó kiếm không hay thường dõi,
    Phải lo phương tìm tõi cho ra.
    Hươu khô tìm lấy lột da,
    Mặc làm sắc áo để hòa lẫn theo.
    Chốn non thẳm tìm vào bầy lứa,
    Sẽ dần dà lấy sữa nuôi thân.
    Bỗng đâu gặp lũ đi săn,
    Rắp buông tên bắn không phân vật người.
    Đem tâm sự tới nơi bày tỏ, 
    Chút hiếu tình nghe rõ cũng thôi.
    Cho hay chung một tánh Trời,
    Tấm son cũng động được người võ phu.











 
    Lão Lai Tử , người nước Sở, sanh vào thời Xuân Thu, thờ cha mẹ rất hiếu thảo. Lúc ông được 70 tuổi mà cha mẹ vẫn còn sống rất thọ. Ông sợ cha mẹ buồn khi thấy mình già nên ông thường mặc quần áo sặc sỡ rồi múa hát trước mặt cha mẹ để làm vui cha mẹ; lại có khi bưng nước giả bộ trợt té ngồi khóc oa oa như con nít làm cha mẹ phải bật cười.

    Lão Lai Tử đời Châu cao sĩ,
    Thờ hai thân chẳng trễ ngọt bùi.
    Tuổi già đã đúng bảy mươi,
    Nói năng chẳng chút hở môi rằng già.
    Khi thong thả mẹ cha ngồi trước,
    Nhảy lăn vào bắt chước trẻ thơ.
    Thấp cao điệu múa nhởn nhơ,
    Xênh xang màu áo bạc phơ mái đầu.
    Chốn đường thượng khi hầu bưng nước,
    Giả làm điều ngã trước thềm hoa.
    Khóc lên mấy tiếng oa oa,
    Tưởng chừng lên bảy lên ba thuở nào.
    Trên tuổi tác trông vào vui vẻ,
    Án đình vi gió thụy mưa xuân.
    Cho hay nhân tử sự thân,
    Trong trăm năm đặng mấy lần ngày vui.

     



 
    Tử  Lộ, tự là Trọng Do, người ở ấp Biện nước Lỗ, là học trò giỏi của Đức Khổng Tử. Nhà nghèo, Tử  Lộ thường phải đi đội gạo rất xa đem về nuôi cha mẹ mà không nệ hà cực nhọc. Không tiền mua thức ăn, ông đi hái rau lê rau hoắc  nấu canh dâng lên cha mẹ dùng đỡ.

    Sau khi cha mẹ mất, ông qua nước Sở được vua Sở trọng dụng, ban cho quan tước và bổng lộc cao sang. Trong cảnh phú quí vinh hoa, ông thường nhắc đến cha mẹ và lấy làm tiếc là cha mẹ không còn sống để cùng vui hưởng cảnh giàu sang, nên Tử Lộ than rằng : Nay muốn ăn rau lê rau hoắc, đội gạo như trước chẳng được nữa, vì cha mẹ đã mất.

    Khổng Tử khen Tử  Lộ là người thận trọng và chí hiếu.

    Thầy Tử Lộ cũng người nước Lỗ,
    Thờ hai thân từng bữa canh lê.
    Thường khi đội gạo đi về,
    Xa xôi trăm dặm nặng nề hai vai.
    Đỉnh huê biểu từ khơi bóng hạc,
    Gót Nam du nhẹ bước tang bồng.
    Xe trăm cỗ, thóc muôn chung,
    Ngồi chồng đệm ghép ăn chồng vạc cao. 
    Thân phú quí ngắm vào thêm tủi,
    Đức cù lao chạnh tới càng đau.
    Nào khi đội gạo canh rau,
    Muốn còn như cũ dễ hầu được ru !
    Lòng thắc mắc nghìn thu vẫn để,
    Biết bao giờ cam chỉ đền công.
    Cho hay dạ hiếu không cùng,
    Dẫu Tam Công chẳng đổi lòng thần hôn.

     



 
    Mẫn Tử Khiên tên là Tổn (Mẫn Tổn), người nước Lỗ, học trò của Đức Khổng Tử. Mẹ mất sớm, cha cưới vợ kế sanh đặng 2 con. Cảnh mẹ ghẻ con chồng thật là khắc nghiệt, nhưng Mẫn Tử Khiên vẫn giữ một mực hiếu thảo với cha và mẹ kế, hoà nhã với 2 em.

    Mùa đông giá rét, 2 con của mẹ ghẻ được mặc áo bông ấm áp, còn Mẫn Tử Khiên thì phải mặc áo lót bông lau không đủ ấm, lại còn phải đẩy xe đưa cha đi dạo chơi. Vì quá lạnh, tay Mẫn Tử Khiên tê cóng, phải rời xe ra. Người cha thấy vậy mới nghĩ lại, biết bà kế mẫu quá hà khắc, liền trở về nhà định đuổi bà đi. Mẫn Tử Khiên khóc lóc xin cha xét lại, đừng đuổi kế mẫu đi, vì nếu kế mẫu còn thì chỉ có mình con chịu rét mà thôi, nếu đuổi kế mẫu thì chẳng những con mà cả 2 em cũng đều phải chịu rét mướt khổ sở nữa.

    Người cha nghe theo, về nhà thuật chuyện lại cho kế mẫu của Tử Khiên nghe, khiến bà cảm động. Lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên đã cảm hóa được bà, khiến bà sửa mình và trở nên một hiền mẫu.

    Thầy Mẫn Tử rất đường hiếu nghĩa,
    Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu.
    Thờ cha sớm viếng khuya hầu,
    Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn.
    Trời đương tiết đông hàn lạnh lẽo,
    Hai em thời áo kép dày bông.
    Chẳng thương chút phận long đong,
    Hoa lau nỡ để lạnh lùng một thân.
    Khi cha dạo theo chân xe đẩy,
    Rét căm căm nên xẩy rời tay.
    Cha nhìn ngẫm nghĩ mới hay,
    Nghiến răng rắp cắt đứt dây xướng tùy.
    Gạt nước mắt chơn quì miệng gởi :
    “Lạy cha xin xét lại nguồn cơn.
    Mẹ còn, chịu một thân con,
    Mẹ đi luống để cơ hàn cả ba.”
    Cha trông xuống cũng sa giọt tủi,
    Mẹ nghe lời cũng đổi lòng xưa.
    Cho hay hiếu cảm nên từ,
    Thấm lâu như đá cũng rừ lọ ai ?


     



 
    Thái Thuận, tự là Quân Trọng, người đất Nhữ Nam, đời nhà Hán, mồ côi cha từ  nhỏ, thờ mẹ rất hiếu thảo.

    Gặp thời loạn lạc, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, lại

    nhằm năm mất mùa, dân chúng thật đói khổ. Thái Thuận phải đi lượm những trái dâu đem về ăn dỡ dạ. Rủi bị giặc Xích My bắt, lục soát trong người thấy có 2 túi đựng trái dâu : một túi đựng dâu đen, một túi đựng dâu vàng. Tra vấn thì Thái Thuận khai rằng : Dâu đen thì chín ngọt dành cho mẹ dùng, còn dâu vàng mới chín còn chua thì để riêng tôi dùng.

          Giặc Xích My khen Thái Thuận là con hiếu thảo, liền đem lòng thương, cấp cho 3 thúng gạo và một đùi thịt trâu đem về nuôi mẹ.

    Ngươi Thái Thuận ở sau đời Hán,
    Dạ thờ thân thuở loạn không lay.
    Đương cơn khói lửa mù bay,
    Liền năm hoang liễm ít ngày đủ no.
    Nơi rừng rậm kiếm đồ nuôi mẹ,
    Nhặt quả dâu chia để làm hai.
    Tặc quân trông thấy nực cười,
    Hỏi sao bày đặt đôi nơi cho phiền ?
    Rằng quả ấy sắc đen thì ngọt,
    Dâng mẹ già gọi chút tình con.
    Còn là sắc đỏ chẳng ngon,
    Cái thân cay đắng dám còn sợ chua.
    Giặc nghe nói khen cho hiếu kỉnh,
    Bước lưu ly mà gánh cang thường.
    Truyền quân của tiễn sẵn sàng,
    Vó trâu một chiếc, gạo lương một bầu.
    Mừng trong dạ bước mau nhẹ gót,
    Về tới nhà miệng tỏ dâng qua.
    Cho hay người cũng người ta,
    Biết đâu đạo tặc chẳng là lương tâm.